Các chuyên gia, doanh nghiệp đều đồng tình đánh thuế với bất động sản để tạo công bằng và chống đầu cơ nhưng cũng cần tính toán lộ trình và cách thu sao cho hợp lý
Vài tháng trước đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo chuyên đề về việc xây dựng đề án đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh, ổn định. Trong đó, Bộ Tài chính khẳng định "cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế tài sản" đối với BĐS (bao gồm nhà, đất) nhằm thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản, xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế, góp phần bình ổn thị trường BĐS, hạn chế đầu cơ và sử dụng BĐS lãng phí. Một trong những đề xuất đó là đánh thuế với sở hữu căn nhà thứ hai trở đi. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia và doanh nghiệp. Bộ Tài chính sau đó cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và trong trung hạn, năm 2017-2018 chưa đặt vấn đề đánh thuế căn nhà thứ hai.
Tuy nhiên mới đây, UBND TP HCM lại có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng áp dụng mức thuế suất cao đối với BĐS thứ hai trở lên và các giao dịch trong lĩnh vực này trong vòng 1 năm. Cụ thể, TP HCM thu thuế tài sản trên đất và giá trị tăng thêm của đất và BĐS trên đất từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng; kiến nghị Bộ Xây dựng cần phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, huy động vốn từ các ngân hàng, tín dụng, đầu tư tài chính trong và ngoài nước; nghiên cứu tạo hành lang pháp lý cho một số công cụ tài chính mới cho thị trường BĐS phát triển…
Việc đánh thuế cao với bất động sản thứ hai và các giao dịch thực hiện trong một năm có thể giúp hạn chế tình trạng sốt ảo và bong bóng bất động sản Ảnh: Tấn Thạnh |
TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng:
Rất khó nếu làm riêng lẻ
Về lâu dài, cần tính toán đánh thuế BĐS thứ 2. Tuy nhiên, ở thời điểm này, cần cân nhắc việc đánh thuế BĐS thứ 2 tại Việt Nam đã khả thi chưa vì việc này liên quan đến vấn đề minh bạch trong mua bán, sở hữu BĐS. Muốn thực hiện đánh thuế BĐS thứ 2 phải bảo đảm tính hệ thống cao trong cơ sở dữ liệu - thông tin cũng như các đơn vị liên quan bao gồm môi giới BĐS, cơ quan thuế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, UBND TP HCM.
Trong bối cảnh thị trường mới phục hồi một thời gian nên việc đánh thuế BĐS thứ 2 cần tính toán kỹ các tác động đến thị trường và doanh nghiệp. Bởi nếu vội vã thực hiện trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị đồng bộ về luật thuế, cơ sở dữ liệu thông tin, tính minh bạch của thị trường... có thể chưa đem lại hiệu quả tăng thu ngân sách mà sẽ dẫn đến tình trạng lách luật trốn thuế, hệ quả là làm tiêu cực thị trường. Nếu áp dụng đánh thuế BĐS thứ 2 trong lúc này thì TP HCM sẽ là địa phương đầu tiên làm thí điểm nhưng cần lưu ý là trong lĩnh vực thuế rất khó thực hiện thí điểm riêng lẻ. Bởi chỉ TP HCM thực hiện mà các tỉnh lân cận chưa áp dụng có thể sẽ phát sinh tiêu cực, khó kiểm soát và làm méo mó thị trường.
Ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc Công ty CP DKRA Việt Nam:
Nên có nhiều mức thuế khác nhau
Tôi cho rằng đóng thuế là hợp lý thôi. Nếu tính thuế cao cho các giao dịch qua lại nhiều lần trong 1 năm chắc chắn nhiều người sẽ đắn đo có nên giao dịch hay không, cân nhắc giữa lợi nhuận và mức thuế phải đóng. Việc đóng thuế BĐS thứ 2 cũng vậy, trước đây đã áp dụng nhưng chỉ thu 2% trên tổng giao dịch nên nhiều người không khai giá giao dịch thực tế. Tới đây, nếu đánh thuế cao hơn, những người đầu cơ BĐS chắc chắn sẽ thận trọng hơn khi giao dịch mua bán.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc đánh thuế cao phải được nghiên cứu rất kỹ, dựa trên thực tế giao dịch của thị trường. Bởi đầu tư có lợi nhuận thì việc đóng thuế là chính đáng nhưng nếu cứ bắt buộc đóng ở mức cố định mà không tính tới việc mua bán có lãi hay không thì không công bằng. Thay vào đó, nhà nước nên nghiên cứu việc đưa ra nhiều mức thuế khác nhau để thu cho hợp lý. Chứ không nên đổ đồng và tính thuế như nhau ở các giao dịch BĐS. Chưa kể, việc thu thuế này là khó khăn cho các bên liên quan, nhất là cơ quan công chứng, cơ quan thuế... vì có thực tế là do cứ áp dụng thu thuế 2% trên giá bán nên các bên cứ khai báo không đúng với thực tế giao dịch nhằm trốn thuế nhưng cơ quan công chứng không có thẩm quyền đi xác minh. Để có cách thu thuế hợp lý, nhà nước cần có phần mềm chuyên quản lý các giao dịch này và lịch sử của BĐS được quản lý chặt mới mong các nhà đầu tư, người đóng thuế thấy thuyết phục, công bằng...
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế:
Không nên đánh thuế toàn bộ
Nếu nhà nước quyết định đánh thuế toàn bộ giá trị căn nhà thứ 2, tôi nghĩ giá nhà đất sẽ tăng lên vì phần lớn người mua nhà thứ 2 là đối tượng mua đi bán lại. Cứ thế, qua mỗi lần mua bán, giá nhà đất bị đẩy lên tác động không tốt đến thị trường BĐS. Chưa kể, ngoài việc đóng thuế khi mua căn nhà thứ 2, người mua lại bán căn nhà đó cho người khác và phải đóng thuế thu nhập cá nhân 2%/giá trị chuyển nhượng. Như thế, người mua bán căn nhà thứ 2 đã nộp thuế 2 lần là không ổn.
Như ở Mỹ, chính phủ Mỹ chỉ đánh thuế người mua nhà trên giá trị đất của căn nhà đó. Có điều các mức thuế suất của từng quận khác nhau, tùy theo mức sống của người dân ở khu vực đó cao hay thấp và không phân biệt căn thứ nhất hay thứ hai. Còn nếu đánh thuế toàn bộ giá trị căn nhà thì không hợp lý vì tiền dùng để mua nhà là của để dành và người mua đã đóng thuế rồi. Do đó, chính phủ Mỹ chỉ thu thuế đối với phần đất của căn nhà.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: