Top

Đường đi biến đất nông nghiệp thành đất ở tại Hà Đông?

Cập nhật 31/12/2018 08:26

Việc bỏ quy trình xác minh nguồn gốc đất trước khi cấp sổ đỏ tại Phú Lương, Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) tạo kẽ hở cho nhiều đối tượng lợi dụng.

'Không hiểu sao ruộng rau muống nhà bên có sổ đỏ'


Theo phản ánh của người dân tổ 1 Vân Nội, phường Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội, mới đây nhiều thửa đất vốn đang là ruộng rau muống bỗng dưng được san lấp để xây dựng nhà kiên cố.

Khi lực lượng chức năng phường xuống kiểm tra, chủ sử dụng đất đã xuất trình được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền trên đất (sổ đỏ) do Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cấp. Kèm theo đó là giấy phép xây dựng nhà được UBND quận Hà Đông cấp.

“Gia đình tôi sinh sống trong khu vực này nhiều năm nay, nhà tạm xuống cấp nhưng không thể xây dựng mới vì không có sổ đỏ do nằm trong khu vực đất nông nghiệp. Thế nhưng, không hiểu sao dãy nhà kế bên, hôm trước vẫn chỉ là ruộng rau muống “bỗng dưng” lại được cấp sổ đỏ” – bác N.V.T (tổ 1 Vân Nội, P. Phú Lương, Hà Đông) cho biết.

Đa số người dân ở khu vực này đều phản ánh, họ không hiểu sao, ruộng rau muống nhà hàng xóm có sổ đỏ, trong khi đất nhà mình có công trình tạm đã lâu mà "xin" không được chuyển đổi.

Còn tại khu vực tổ 4 -5 phường Phú Lãm, hàng chục căn nhà đang được xây dựng ồ ạt tại khu vực được xác định trên bàn đồ địa chính phường là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, có một điểm chung, chủ sở hữu lại xuất trình được sổ đỏ và giấy phép xây dựng có thời hạn (giấy phép tạm)

Khu nhà này đã được xây dựng trên khu vực đất nông nghiệp sau khi hợp thức hóa thành đất ở tại phường Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội.

Từ những cuốn sổ bất thường này, qua xác minh, đối chiếu với các tờ bản đồ địa chính lưu tại UBND phường Phú Lương, Phú Lãm cho thấy, các khu đất này đều nằm trong khu vực đất nông nghiệp, đất trồng lúa. Không những thế, đối chiếu thông tin số ô, sổ thửa, số tờ bản đồ trên sổ đỏ hoàn toàn không trùng khớp với số tờ, số thửa ghi trên bản đồ.

Câu hỏi đặt ra, vì sao những mảnh đất này có sự sai lệch rõ ràng về vị trí, thông tin trên sổ đỏ nhưng nó vẫn được Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Hà Đông (Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội) chứng thực cho phép chuyển đổi, chuyển nhượng, tách thửa, cấp mới?

Càng nghi ngại hơn, khi chỉ vài tháng trước đây, chính Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Hà Đông đã thực hiện cấp sổ cho các thửa đất này. Ngay sau đó, đơn vị này là có thông báo tạm thời dừng giao dịch đối với những quyển sổ đỏ này để kiểm tra, rà soát.

Trong khi đó, những thửa đất này đều nằm trong khu vực đã từng được nhiều cơ quan chức năng của thành phố như Công an Hà Nội, thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội đặt trong vùng “báo động đỏ” về việc đất nông nghiệp được cấp sổ trái quy định pháp luật. Từ những năm 2012-2015, đã có nhiều văn bản đề nghị các Văn phòng đăng ký đất đai cần hết sức chú ý xác minh kỹ nguồn gốc đất trước khi cấp sổ đỏ đối với những khu vực này để tránh hậu quả nặng nề về sau.

Cắt bỏ quy trình xác minh nguồn gốc đất?

Theo một nhân viên văn phòng công chứng (xin giấu tên) thông thường, đối với những khu vực đất đã được liệt vào danh sách đen, thì công tác cấp sổ đỏ cần phải xác minh rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đối với những thửa đất trên, công tác thẩm định nguồn gốc đất lại được cắt bỏ, đơn giản hóa một cách bất thường.

Bằng chứng là khi đối chiếu với các bản lưu công văn hỏi của Văn phòng đăng ký đất đai tại phòng địa chính phường Phú Lãm, Phú Lương không thấy có bất cứ văn bản nào gửi về đề nghị chính quyền địa phương xác nhận nguồn gốc đất đối với những thửa đất này.

Một số trường hợp có văn bản hỏi xác minh nhưng câu hỏi hết sức sơ sài, chỉ tập trung hỏi đất có tranh chấp, khiếu kiện hay không? Thửa đất có thế chấp ngân hàng hay không? Còn tuyệt nhiên không có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến việc xác minh nguồn gốc thửa đất đó như thế nào?

Thậm chí, khi cán bộ của Văn phòng đăng ký đất đai xuống thẩm định đã không qua UBND phường phối hợp với địa chính để xác minh.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch UBND phường Phú Lãm cho biết, trong quá trình cấp giấy chứng nhận cho các thửa đất thuộc khu vực tổ 4, tổ 1 Phú Lãm, phường không nhận được sự phối hợp nào từ phía Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội và không biết Sở có xuống thẩm định hay không?

Dự án Man Bồi biến đất nông nghiệp thành đất ở.

Còn ông Nguyễn Xuân Quý – Phó chủ tịch UBND phường Phú Lương khẳng định, đơn vị này không nhận được văn bản hỏi từ phía Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội về nguồn gốc đất tại các khu vực đất thuộc tổ 1 Vân Nội.

Nghi vấn đặt ra, tại sao Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Hà Đông lại cắt bỏ toàn bộ khâu thẩm định nguồn gốc đất? Động cơ đằng sau việc này là gì? Đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Trong khi đó, hiện nay, tại khu vực phường Phú Lương, Phú Lãm (Hà Đông) đang xuất hiện tình trạng có rất nhiều quyển sổ đỏ được UBND huyện Thanh Oai cấp từ năm 2002-2003 có nguồn gốc đất nông nghiệp được bán trôi nổi trên thị trường.

Điều đáng nói, đây là các phôi thật, chữ ký thật, dấu thật nhưng nội dung trên phôi sổ nghi vấn là giả mạo do không có hồ sơ lưu trữ nào chứng minh đã được cơ quan chức năng cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở. Do vậy, nhiều đối tượng đã lợi dụng những bìa đỏ này chào bán nhằm biến những mảnh đất nông nghiệp nhanh chóng trở thành đất ở.

Với thủ đoạn điền các thông số tên, tuổi, số tờ, số thửa, diện tích… vào các phôi sổ đỏ trôi nổi sau đó, mang lên phòng đăng ký đất đai xin đổi sổ đỏ từ Thanh Oai sang sổ Hà Đông quản lý. Sau khi được cấp mới, chủ thửa đất mới làm hồ sơ xin tách thửa để bán.

Theo phản ánh của người dân địa phương, họ đã được nhiều “cò đất” chào mời làm sổ đỏ với giá 1 tỷ đồng đối với thửa đất có diện tích lớn 300-500m; 250-300 triệu đồng đối với sổ có diện tích 50-70m2. Nếu chia ra, chi phí biến đất ruộng thành đất ở vào khoảng 3 -5 triệu đồng/m2.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC