"Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát và có giải pháp kịp thời để bảo đảm những người có thu nhập thấp đã ký kết vay theo gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống" - ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay
Trình bày trước Quốc hội sáng 21/3/2016, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, việc thực hiện cho vay hỗ trợ mua nhà ở với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã tạo điều kiện cho nhiều người dân có thu nhập thấp mua được nhà để ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, nhiều người dân khi thực hiện ký hợp đồng tín dụng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi. Mặt khác, một số ngân hàng chưa giải thích rõ về các điều khoản trong hợp đồng theo quy định, dẫn đến tình trạng người dân bất ngờ, lúng túng trước thông tin áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016.
Những vướng mắc trước thời điểm dừng giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng được các cử tri phản ánh lên Quốc hội (ảnh: Việt Hưng)
|
Theo đó, từ ngày 1/6/2016, những người vay tiền mua nhà từ gói 30.000 tỉ đồng được cho biết sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi đối với phần dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016 mà theo lãi suất thương mại.
"Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát và có giải pháp kịp thời để bảo đảm những người có thu nhập thấp đã ký kết vay theo gói hỗ trợ trên tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi theo mức hỗ trợ ban đầu để ổn định cuộc sống" - ông Nhân cho hay.
Cũng trong sáng nay, ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban dân nguyên của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII cho biết, tính đến ngày 29/2/2016, tổng số tiền mà 19 ngân hàng được chỉ định đã ký hợp đồng cam kết cho vay trong chương trình chính sách hỗ trợ tín dụng thông qua gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng đã đạt 29.657 tỉ đồng, tương ứng với 98,85%. Số tiền đã giải ngân cho 45.412 khách hàng tham gia gói vay này đến thời điểm trên đạt 20.900 tỷ đồng, đạt 69,66%.
Trong số này, khoản cho khách hàng là cá nhân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với số tiền cam kết cho vay chỉ ở mức 6.277 tỉ đồng (chỉ chiếm chưa tới 21% tổng gói vay), với số khách hàng cam kết cho vay là 14.968 người. Con số đã giải ngân cho đối tượng này ở mức 4.613 tỉ đồng cho tổng số 14.621 người (chiếm 22% tổng số vốn đã giải ngân).
Trong khi đó, khoản cam kết cho vay khách hàng cá nhân thuê, mua nhà ở thương mại đạt gấp đôi với 13.310 tỉ đồng cho 24.944 người tham gia. Đến nay đã giải ngân được 9.596 tỉ đồng cho 24.533 người...
Phần cam kết cho các doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng 61 dự án được dành 7.599 tỉ đồng và đã giải ngân theo tiến độ dự án 4.491 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hiền đánh giá, việc cho vay với lãi suất thấp đã tạo điều kiện cho một số hộ gia đình, cá nhân cải tạo, thuê, mua nhà ở. Tuy nhiên, với lãi suất đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 1/2014 vẫn còn khó khăn với thu nhập của một bộ phận người dân.
Ông Hiền cũng chỉ ra những bất cập của việc triển khai gói vay này, đó là sự phối hợp của chính quyền một số địa phương còn chậm trễ trong việc triển khai các thủ tục hành chính, xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở của cá nhân, hộ gia đình dẫn đến khách hàng không đủ điều kiện được vay vốn theo quy định.
Bên cạnh đó, một số địa phương chậm triển khai cho phép doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư, quyết định cho phép chuyển đổi dự án, điều chỉnh cơ cấu căn hộ… Vì vậy, số lượng dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội; dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà ở xã hội còn thấp so với nhu cầu thực tế.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: