Top

Đua "ủ mưu vay vét" gói 30 ngàn tỷ, người mua nhà nên làm gì?

Cập nhật 14/03/2016 13:13

Để người vay vốn mua nhà được hưởng lãi suất ưu đãi sau khi gói 30.000 tỷ đồng ngừng giải ngân vào ngày 1/6 tới đây, nhiều chủ đầu tư đang tìm “kế” để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Nhiều chủ đầu tư đang gấp rút tìm phương án để giải ngân cho khách hàng vay gói 30.000 tỷ bằng mọi giá để tận dụng nguồn vốn lãi suất ưu đãi.

Chủ đầu tư “bắt tay” ngân hàng

Chưa bao giờ câu chuyện giải ngân gói 30.00 tỷ đồng dành cho người vay mua nhà ở giá rẻ lại “nóng” như những ngày qua, người vay đứng trước "nghịch cảnh" phải trả lãi suất theo thị trường (từ 11% - 12%/năm) cho khoản vay giải ngân sau ngày 1/6. Còn với khách hàng đã ký hợp đồng nhưng chưa được giải ngân thì rơi vào tình cảnh “đeo gông”.

Anh Nguyễn Thành Phát (ngụ Quận 12, TP.HCM), người mua căn hộ của dự án nhà ở thương mại giá rẻ trên địa bàn cho hay, anh vay ngân hàng khoảng 400 triệu đồng để mua căn hộ. Đến nay anh mới chỉ được giải ngân gần 100 triệu đồng. Anh cho biết, theo quy định sau ngày 1/6 anh phải trả lãi theo lãi suất thị trường, và như thế số tiền phải trả mỗi tháng đội lên đáng kể.

Gần đây anh Phát được chủ đầu tư mời đến để cùng thỏa thuận với ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giải ngân tiền vay nhiều nhất có thể trước ngày 1/6. “Biết là giải ngân trước thời hạn 1/6 tôi sẽ đỡ gánh nặng trả lãi hơn, nhưng nếu chủ đầu tư nhận tiền trước mà không đảm bảo tiến độ thi công, kéo dài thời hạn bàn giao nhà thì càng khổ”, anh Phát nói.

Theo các chuyên gia BĐS, dù đã có quy định chủ đầu tư chỉ được phép huy động không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà. Thế nhưng đứng trước tác động của việc điều chỉnh lãi suất sau khi gói 30.000 tỷ đồng chấm dứt giải ngân, các chủ đầu tư cũng đã tìm mọi phương cách để làm sao “cứu khách hàng và cứu chính mình”.

Đề nghị khách hàng ký thanh lý hợp đồng vay với ngân hàng để “chốt” khoản giải ngân trước ngày 1/6 cũng là một phương án được một số chủ đầu tư xem xét tiến hành. Như đại diện công ty địa ốc chuyên thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM nêu “ý tưởng”, nếu khách hàng đồng ý thanh lý hợp đồng đang vay thì khoản dư nợ vay của khách hàng sẽ được chuyển sang ngân hàng khác (1 trong 5 ngân hàng được chỉ định để cho vay mua nhà ở xã hội) để tiếp tục hưởng lãi suất ưu đãi.

Cẩn trọng khi chủ đầu tư “lách luật”

Theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, với các dự án đang thi công dang dở thì cách chủ đầu tư thỏa thuận với khách hàng để họ đồng ý cho ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giải ngân trước ngày 1/6 sẽ tiềm ẩn thiệt hại cho người mua nhà. Với loại nhà ở hình thành trong tương lai thì người mua nhà cần phải suy tính thiệt hơn.

Ông Đực cho rằng, cái lợi trước mắt người mua nhà thấy được chính là họ sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi cho các khoản giải ngân trước ngày 1/6. Vì hầu hết đối tượng tìm đến gói vay 30.000 tỷ là người nghèo, người có thu nhập thấp. Còn hiểm họa tiềm ẩn đằng sau là nếu sau khi chấp nhận giải ngân nhanh hơn tiến độ thi công lỡ chủ đầu tư nhận tiền nhưng không tiếp tục xây dựng mà sử dụng tiền vào mục đích khác hoặc bàn giao nhà nhưng chất lượng không như cam kết ban đầu thì người mua nhà lãnh phần thiệt.

Cũng theo ông Đực, sau thời hạn giải ngân gói tín dụng ưu đãi thì người mua nhà sẽ phải trả lãi theo lãi suất thị trường. Điều này sẽ khiến kế hoạch trả nợ dài hơi của họ bị đảo lộn. Không loại trừ nhiều trường hợp người mua không kham nổi lãi suất đành phải trả nhà và khi đó chủ đầu tư “cực chẳng đã” mới thanh lý hợp đồng.

“Tôi từng rất nhiều lần kiến nghị nên kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ này ra, ít nhất là đến cuối năm 2018 để người nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Cơ quan quản lý nhà nước cần phải sớm đưa ra hướng giải quyết. Với những người đã ký hợp đồng vay nhưng chưa giải ngân thì cũng nên cho họ được hưởng lãi suất ưu đãi”, một lần nữa ông Đực kiến nghị.

Kết quả thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến thời điểm này các ngân hàng đã cam kết cho vay hơn 28.800 tỷ đồng (đạt 96%) trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng. Được biết, Hiệp hội BĐS cũng vừa có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho giải ngân hết gói 30.000 tỷ mà không giới hạn thời gian. Bởi theo hiệp hội, hiện nay thị trường BĐS đã phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, song còn rất nhiều người thu nhập thấp vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước để họ giảm bớt gánh nặng mua nhà.


DiaOcOnline.vn - Theo Infonet