Phối cảnh dự án tổ hợp thể thao Hàng Đẫy
|
Chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 - SEA Games 31 và các hoạt động khác, UBND TP.Hà Nội đã đề xuất lên Thủ tướng việc xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy gồm sân vận động, nhà thi đấu đa năng, tòa nhà văn phòng.
Số tiền dự kiến đầu tư cho dự án này là hơn 6.300 tỉ đồng, với nguồn vốn xã hội hóa 100% từ Công ty CP Tập đoàn T&T. Đổi lại T&T sẽ khai thác, vận hành khu đất này trong 50 năm.
Cũng trong báo cáo trình Thủ tướng, Hà Nội đề nghị cho nhà đầu tư được hưởng chính sách “không phải đấu giá quyền sử dụng đất”.
Những điều bất hợp lý
Công trình sẽ được xây dựng trên tổng diện tích 32.000 m2 gồm sân vận động Hàng Đẫy, nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức, khu đất của Sở kế hoạch Đầu tư.
Chưa nói đến yếu tố dự án này khi hình thành sẽ không phù hợp với không gian đô thị bởi hiện nay tại Hà Nội, mà đặc biệt tại khu vực của dự án này, đã quá tải về hạ tầng giao thông, cùng nhiều điều bất hợp lý khác thì cái bất hợp lý dễ thấy nhất, đó là vấn đề tài chính.
Theo khung giá thị trường, hiện nay mỗi mét vuông ở khu vực này giá 500 triệu đồng. Cứ cho là 400 triệu đồng/m2 thì với 32.000m2 , giá trị đất ở khu vực này đã là 12.800 tỉ đồng.
Làm 4 phép tính đơn giản, thử hỏi công trình xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy chỉ là 6.300 tỉ đồng, không thông qua đấu giá, được sử dụng trong 50 năm, thì Nhà nước bị thất thoát bao nhiêu?
Chưa hết, có một thực tế không thể phủ nhận là sân vận động Hàng Đẫy sau 60 năm đã có nhiều hạng mục xuống cấp, vậy sau 50 năm, dự án tổ hợp thể thao này còn lại được bao nhiêu phần trăm có thể hoạt động tốt? Đó là chưa tính đến 50 năm sau, nhiều hạng mục của công trình này không chỉ xuống cấp mà còn trở nên lỗi thời.
Sân Hàng Đẫy hiện nay
|
Tại sao phải gấp?
Lý do dự án này phục vụ cho SEA Games 31 nên phải hoàn thành trong khoảng 36 tháng cũng là vấn đề cần đặt ra. Với thời gian gấp rút như thế, liệu công trình có đảm bảo an toàn và chất lượng, chưa kể thiết kế có hài hòa với không gian đô thị xung quanh?
Để giải bài toán cơ sở vật chất phục vụ cho SEA Games 31, Hà Nội đã có sẵn hạ tầng khi từng đăng cai và tổ chức thành công SEA Games 22 năm 2003. Với nguồn thu từ đấu giá 32.000m2 đất thì không chỉ đủ để sửa chữa, nâng cấp các hạng mục, cơ sở hạ tầng các công trình phục vụ cho việc tổ chức SEA Games, mà Nhà nước vẫn còn dư tiền để xây dựng các công trình mới ở khu vực ngoại ô phục vụ cho 2 ngành đang thiếu trầm trọng cơ sở hạ tầng là ngành y và giáo dục.
Ngày 16.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016 - 2020), dự toán ngân sách nhà nước 2018, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm (2019-2021).
Tại cuộc thảo luận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Nhà nước thất thoát nhiều trong vấn đề đất đai. Nếu đấu giá công khai sẽ quản lý được tài nguyên quốc gia. Cho rằng nhiều người, trong đó có các đại gia bất động sản giàu lên nhờ được giao đất không qua đấu giá, Chủ tịch Quốc hội khẳng định mọi giao dịch không rõ ràng sẽ làm thất thoát tiền bạc của Nhà nước.
Cũng trong ngày 16.10, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL đã trả lời câu hỏi của báo chí về việc Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng, đề xuất xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy (sân vận động, nhà thi đấu đa năng, tòa nhà văn phòng) để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31 (tháng 10.2021) và các hoạt động văn hóa, thể thao đỉnh cao tại thủ đô.
Theo ông Bình, việc cải tạo sân Hàng Đẫy trở thành điểm phục vụ thể thao là cần thiết. Thế nhưng ông cũng cho biết, việc xem xét cho doanh nghiệp xây dựng sân Hàng Đẫy theo hình thức xã hội hóa "thuộc thẩm quyền của Chính phủ", do vậy bộ này không có quan điểm về việc "Hà Nội chỉ định thầu hay không".
Với những gì đã và đang diễn ra, thiết nghĩ cần phải đấu giá 32.000m2 đất thuộc khu vực xây dựng tổ hợp thể thao Hàng Đẫy. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng có xác định là từ 2019 cần đấu giá công khai trước khi giao đất cho các dự án.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là qua năm 2019, do đó nếu có những quyết định gấp gáp cho dự án 32.000m2 đất này mà không thông qua đấu thầu thì sẽ không tránh khỏi những nghi ngờ về sự khuất tất quanh quyết định gấp rút nếu như nó được thông qua.
DiaOcOnline.vn - theo Một Thế Giới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: