Suối Yên Đỗ (TP.Pleiku) bị ông Nguyễn Tấn Thành đổ triệu m3 đất phân lô, bán nền trái phép. Ảnh Đình Văn
Thay vì thời hạn 15 ngày, nhưng đã quá 45 ngày, Thông báo kết luận sai phạm phân lô, bán nền trái phép vẫn chưa được Chủ tịch tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành ban hành.
Ngày 18.10, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết: "Hiện tại, tỉnh chưa có Thông báo kết luận sai phạm về việc "san lấp, phân lô, tách thửa, bán nền" mà Báo Lao Động phản ánh.
Trước đó, tháng 4.2018, Báo Lao Động đăng phóng sự "Vẽ quy hoạch ảo phá nát quy hoạch, trục lợi tiền tỉ", Chủ tịch tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm.
Cụ thể, ngày 16.5, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành do Sở Xây dựng làm trưởng đoàn kiểm tra việc san lấp, phân lô, bán nền trái phép.
Nhận báo cáo của đoàn này, ngày 21.6, ông Võ Ngọc Thành tiếp tục chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành thứ 2, giao Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn, nhằm làm rõ hơn vụ việc, xử lý nặng cá nhân, tổ chức vi phạm.
Sau 45 ngày làm việc trách nhiệm, đoàn liên ngành thứ 2 gửi báo cáo lên bàn Chủ tịch tỉnh Gia Lai. Báo cáo "nóng" đến nỗi, đề nghị kiểm điểm đối với một phó Chủ tịch UBND tỉnh, xử lý hàng loạt cán bộ của các cơ quan Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND TP.Pleiku, Giám đốc Văn phòng đăng kí đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh, Văn phòng ĐKĐĐ TP.Pleiku; các Phòng TNMT, Quản lý đô thị, Đội Quy tắc đô thị, UBND các xã, phường...
Hàng loạt cán bộ dính chàm, buộc Chủ tịch tỉnh Gia Lai phải trả lại kết luận, để đoàn liên ngành làm rõ hơn hành vi vi phạm, xử lý cán bộ một cách "tâm phục, khẩu phục".
Nghị định 33/2015/NĐ-CP của Chính phủ về "Việc thực hiện kết luận Thanh tra", tại điều 15 (Mục 4) thì, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành Thông báo Kết luận thanh tra, mà ở đây là Chủ tịch tỉnh Gia Lai.
Chưa kể, Thông tư 05/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ (Điều 37), trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, phải thực hiện việc công khai kết luận.
Tuy vậy đến nay, đã quá 45 ngày, nhưng Chủ tịch tỉnh vẫn chưa có thông báo kết luận.
Việc phân lô, bán nền với các bài điều tra của Báo Lao Động đã phản ánh các cá nhân, tổ chức mua 1ha đất nông nghiệp chỉ có giá 1-2 tỉ đồng/ha, sau đó nhờ cán bộ "vẽ đường" chuyển đổi thành đất thổ cư, rồi mở đường trái phép, kéo trụ điện lập các "khu dân cư ảo" bán ra với giá gấp 7-10 lần. Hậu quả băm nát thành phố, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch đô thị Pleiku năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về lâu dài, tỉnh Gia Lai phải bỏ một nguồn ngân sách lớn để giải quyết hậu quả của các hành vi trên.
Diaoconline.vn – Theo Báo NLĐ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: