Top

Dự án 'ôm đất' Hà Nội nào có thể bị thu hồi?

Cập nhật 03/02/2018 11:30

Danh sách các dự án 'ôm đất' suốt nhiều năm ở Hà Nội có lẽ đếm không hết bởi hầu như chỗ nào cũng thấy.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án "ôm đất" quá 3 năm chưa triển khai.

Đồng tình với chủ trương này của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, Hà Nội đang có hàng loạt dự án "ôm đất" mà danh sách này có lẽ không đếm hết nổi bởi đi đâu cũng thấy đất quây tôn, bỏ hoang..., gây thiệt hại rất nhiều.

Một trong những dự án đất vàng đắp chiếu được ông Đính đề cập là khu đất quy hoạch trụ sở các tổng công ty ở Yên Hòa (Cầu Giấy) và Mễ Trì (Nam Từ Liêm). Theo quy hoạch được UBND TP Hà Nội phê duyệt, khu đất 28ha này sẽ trở thành trung tâm cao ốc cho thuê, trụ sở văn phòng, kết hợp công trình hỗn hợp đồng bộ và hiện đại nhất Thủ đô. Thế nhưng, sau gần 10 năm, khu tổ hợp trụ sở hiện đại vẫn nằm trên giấy, dẫn đến tình trạng đất vàng đắp chiếu lãng phí, hoặc bị đem ra cho thuê sử dụng sai mục đích nhiều năm qua.


28ha được quy hoạch làm trụ sở các tổng công ty ở Yên Hòa (Cầu Giấy) và Mễ Trì (Nam Từ Liêm) vẫn đang bỏ hoang. Ảnh: Tiền phong

Lý giải tình trạng này, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các tổng công ty nhà nước phần lớn đang trong giai đoạn khó khăn, bị thua lỗ, nợ nần, không có tiền để xây dựng trụ sở.

"Trong năm nay các tổng công ty nhà nước gần như sẽ phải cổ phần hóa toàn bộ, Nhà nước rút nguồn lực ra khỏi các đơn vị này và chúng phải cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp khác, nếu làm không tốt thì vẫn bị xử lý.

Bởi phần lớn các tổng công ty đang trong tình trạng thua lỗ nên trong trường hợp cần thiết, Nhà nước cứ thu hồi, đem các dự án cụ thể trong từng ô đất chức năng đó ra đấu giá, đơn vị nào trả cao, cam kết đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và có ký quỹ theo luật định thì cho làm. Trường hợp chủ đầu tư mới không thực hiện đúng cam kết thì dự án lại tiếp tục bị thu hồi và doanh nghiệp mất tiền ký quỹ", ông Nguyễn Văn Đính đề xuất.

Một trường hợp khác cũng được ông đề cập như một ví dụ về tình trạng "ôm đất" nhiều năm không triển khai, đó là dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt nằm trên địa bàn 3 phường Thịnh Liệt, Tương Mai, Hoàng Văn Thụ của quận Hoàng Mai.

Đây là dự án do Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Bộ Xây dựng (Licogi) làm chủ đầu tư nhưng bị đắp chiếu tới 14 năm. Theo ông Đính, lý do khiến dự án này chậm triển khai là do chủ đầu tư dự án này đang bị thua lỗ nặng nề, đồng thời ngay việc làm quy hoạch cũng có nhiều vấn đề bất hợp lý dẫn đến không giải phóng mặt bằng được, người dân phản đối nên bị kéo dài.

Còn rất nhiều trường hợp khác mà Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam không nhớ hết được bởi đi đâu cũng nhìn thấy. Ông cho biết, ngay trong giấy chứng nhận đầu tư, quyết định giao đất của mỗi dự án đều đã ghi rõ thời hạn, tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà dự án chưa được triển khai, mà trong quá trình rà soát, TP Hà Nội cần phải lưu ý làm rõ.

Thứ nhất, đất đai đã giao mà không triển khai thì cần phải xem xét tại sao không triển khai và cần kiên quyết nếu do năng lực chủ đầu tư.

Thứ hai, chủ đầu tư chưa giải phóng được mặt bằng thì cần xem xét lý do chưa giải phóng mặt bằng được là do năng lực thực hiện của chủ đầu tư hay do nhiều nguyên nhân khác, trong đó có cả nguyên nhân sự hợp tác và hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng này.

"Khi dự án chậm triển khai nó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ảnh hưởng không tích cực đến môi trường, đời sống xung quanh khu vực dự án...

Do đó, cần có thái độ quyết liệt với các dự án "ôm đất" chậm triển khai nhưng cũng cần xem xét thấu đáo lý do dự án chậm triển khai. Nếu lỗi không phải do năng lực doanh nghiệp thì cần phải xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Còn nếu chủ đầu tư không đáp ứng được năng lực thực hiện dự án, cố tình chây ì, nhận đất nhưng loanh quanh không thực hiện, tìm cách chuyển nhượng hay muốn chuyển đổi mục đích sử dụng ban đầu thì phải kiên quyết thu hồi", ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

Về vấn đề hậu thu hồi, vị chuyên gia cho biết các dự án phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Các dự án phải được đem ra đấu thầu, chủ dự án mới khi tham gia phải đưa ra được những phương án khả thi và cam kết tiến độ cũng như thực hiện bảo lãnh đảm bảo tài chính để Nhà nước có thể dễ dàng thực hiện các chế tài khi chủ đầu tư không triển khai dự án.

Ông Nguyễn Văn Đính cũng lưu ý về việc trả lại tiền đặt cọc cho chủ đầu tư đối với những dự án không còn khả năng triển khai. Theo đó, không phải Nhà nước bỏ tiền ra trả cho chủ đầu tư cũ mà sẽ tổ chức đấu giá, ai trả cao hơn thì bán. Nhà nước sẽ dùng nguồn tiền đó để trả lại phần vốn gốc mà chủ đầu tư cũ đã nộp trước đây.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, từ năm ngoái quận đã có văn bản báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội về các dự án chậm triển khai trên địa bàn quận.

Theo đó, quận có 24 dự án chậm triển khai và đề nghị TP thu hồi, có một số dự án TP đang chỉ đạo quyết liệt.

"Đối với dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, đã có các đơn vị đứng ra đảm bảo về vấn đề tư cách pháp nhân và giải phóng mặt bằng sắp xong, tiền chi trả hết.

Lỗi dự án chậm triển khai không phải do chủ đầu tư mà do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng. Phải thẳng thắn nhìn nhận chuyện đó, không thể đổ lỗi hết cho doanh nghiệp", ông Hiếu nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, các quận, huyện, thị xã, trong đó có quận Nam Từ Liêm đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Bao giờ có kết quả quận sẽ báo cáo UBND TP.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt