Các dự án nhà ở cho công nhân của các khu công nghiệp tại TP.HCM hiện khó triển khai do thiếu quỹ đất; khó vay vốn... Cụ thể, trong số 9 dự án nhà ở công nhân xin vay vốn ngân hàng, thì đã có đến 7 dự án bị từ chối vì được đánh giá là kém hiệu quả, không khả thi…
Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) TP.HCM cho biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có 15 KCX - KCN đang hoạt động, với hơn 1.200 dự án đầu tư cùng hơn 260.000 lao động, trong đó lao động từ các tỉnh đến làm việc chiếm hơn 70%.
“Nhu cầu về nhà ở của người lao động là rất bức thiết, song hiện có đến hơn 97% công nhân làm việc tại các KCN - KCX tại TP.HCM phải tự túc chỗ ở”, ông Hoà nói và cho biết thêm, dự kiến, trong 2 năm 2012 và 2013, các dự án nhà lưu trú và căn hộ cho công nhân được tiếp tục triển khai xây dựng tại các KCN hiện hữu, bao gồm: KCN Tân Tạo (2 lô nhà 12 tầng), KCX Linh Trung 2 (1 lô nhà 9 tầng), KCN Tân Thới Hiệp (50 căn nhà cấp 4), KCN Lê Minh Xuân (3 tòa nhà 5 tầng), tạo ra 6.310 chỗ ở cho công nhân.
Tại TP. Cần Thơ, dự kiến đến năm 2015, có 8 KCN đi vào hoạt động thu hút hơn 100.000 công nhân. Thực hiện mục tiêu giải quyết nơi ở cho 50% công nhân, TP. Cần Thơ cần xây dựng nhà ở công nhân cho hơn 50.000 công nhân, song đến nay, ở địa phương này vẫn chưa có dự án nào được khởi công.
Ông Võ Ngọc Hồ, Giám đốc Công ty Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ (Cipco) cho biết, Công ty đã dành hơn 2.000 m2 đất hoàn chỉnh hạ tầng, thuê đơn vị tư vấn thiết kế 2 block nhà ở công nhân và mời gọi đầu tư, nhưng chưa tìm được nhà đầu tư.
“Nguồn vốn của Cipco hạn hẹp lại phải đầu tư hạ tầng 3 KCN, nên không đủ vốn để đầu tư dự án xây dựng nhà ở công nhân”, ông Hồ cho biết.
Ông Kiều Công Minh, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết: “Trước đây, quy hoạch KCN không tính đến nhà ở công nhân, nay muốn xây dựng thì gặp khó khăn về đất đai, chi phí giải phóng mặt bằng cao. Năm 2011, chúng tôi được UBND tỉnh ghi vốn 10 tỷ đồng để xây dựng nhà ở công nhân, nhưng cuối năm phải trả lại tiền vì không có đất để xây dựng”.
Theo ông Hòa, để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, Chính phủ cần áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi hơn nữa đối với dự án xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các KCX – KCN, bao gồm: tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi về thuế đối với các dự án này được quy định tại Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ; cho phép sử dụng đất xây nhà lưu trú công nhân (được miễn tiền sử dụng đất) thế chấp vay. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần có cơ chế cho vay đặc biệt; kéo dài thời gian cho vay với lãi suất ưu đãi cho các dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân…
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: