Mấu chốt của thị trường BĐS hiện nay là xác định thời điểm, nhà đầu tư thường không bao giờ mua sản phẩm khi thị trường đang ở đỉnh của chu kỳ, do đó nhiều dự án đang ở thế dồn nén, sẵn sàng bung ra bất cứ lúc nào.
Đó là nhận định của ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc của công ty tư vấn BĐS Knight Frank Việt Nam. Ông Stephen cho rằng, như bất kỳ nơi nào trên thế giới, điểm quan trọng để đầu tư BĐS là vị trí và sự hiểu biết thị trường. Chính vì vậy, thời điểm nào để mua, thời điểm nào để bán quyết định sự thành công của nhà đầu tư.
Thị trường BĐS Việt Nam: “Sóng” chưa chắc đã là tốt
Bán bớt bởi sức ép tài chính
Bất kỳ ai quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam đều biết rằng, nhu cầu nhà ở hiện nay còn rất lớn và rất tiềm năng. Trong khi đó, trên thị trường sơ cấp còn hàng chục ngàn căn hộ đang vô chủ, một mặt bởi nhà đầu tư không muốn bán chờ giá lên, một mặt bởi người mua chưa vội “giao tiền” với hy vọng giá còn giảm tiếp.
Trước thực trạng trên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vốn đã chực chờ từ hơn hai năm qua đang sẵn sàng bung tiền để mua lại các dự án của nhà đầu tư trong nước. Và bài toán đặt ra cho các nhà đầu tư nội là có nên bán bớt tài sản của mình hay không? Theo công ty Knight Frank Việt Nam, điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra bởi phần lớn các ông chủ dự án đang bị sức ép rất lớn về tài chính.
Theo nhận định của các chuyên gia, ở bất kỳ phân khúc BĐS nào, nếu mua vào lúc này sẽ có giá thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, có người mua chưa chắc đã có người bán và những dự án tốt (cả về giá và vị trí) thường không dễ dàng được chào hàng.
Điểm chung của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là đều nghe ngóng và trông chờ vào chính sách. Xem ra sự kiên nhẫn của họ cũng được đền đáp khi Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo giảm lãi suất huy động xuống 1%, tạo tiền đề cho khả năng giảm lãi vay. Như vậy, diễn biến thị trường BĐS Việt Nam từ nay đến cuối năm được các chuyên gia đánh giá là có nhiều điểm sáng.
Ai đủ sức châm ngòi?
Ông Stephen Wyatt, TGĐ công ty Knight Frank Việt Nam vừa đưa ra sự khẳng định chắc chắn: “Không còn nghi vấn gì nữa về triển vọng tăng trưởng của thị trường BĐS Việt Nam dành cho các nhà đầu tư trung và dài hạn. Chúng tôi nhận thấy có nguồn cầu mạnh mẽ đối với nhiều dự án đầu tư, đất đai và các dự án phát triển mà chúng tôi đang quản lý bán. Với sự lạc quan mới và sự trở lại của niềm tin, 2012 là thời điểm để bắt đầu tìm kiếm đầu tư vào Việt Nam”.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, thị trường BĐS Việt Nam rất cần minh bạch hóa, trải qua nhiều năm vật vã, sống dở chết dở bởi quy luật thị trường, giờ đây các nhà đầu tư trong nước đã nhận ra được nhiều điều và thấm thía cho những “lỗi lầm” của mình, đó là lòng tham, sự nóng vội, thiếu phân tích, cạn tầm nhìn và thờ ơ với khách hàng.
Nói về khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Hiệu trường Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng, nhiều công ty BĐS trong nước, nhất là các công ty vừa và nhỏ hoàn toàn không có hệ thống quản trị, nhất là quản trị rủi ro. Đây cũng là một trong những lý do khiến họ khó tiếp cận nguồn vốn. Do đó, để gỡ nút thắt cho hoạt động kinh doanh, trước hết các doanh nghiệp cần cấu trúc lại chính mình.
Bàn về khả năng tạo “sóng” của thị trường BĐS trong năm 2012, PGS.TS Nguyễn Văn Trình cho biết, lịch sử đã chứng minh một điều, nếu thị trường chứng khoán ổn định trong vòng ít nhất hai quý thì dòng vốn từ chứng khoán sẽ “nhảy” sang BĐS. “Như vậy, nếu đến tháng 7 năm nay, thị trường chứng khoán hồi phục tốt, thì chậm nhất là tháng 9, tín dụng cho BĐS sẽ ấm lên”, PGS.TS Nguyễn Văn Trình khẳng định.
Tuy nhiên, liệu nhân tố nào sẽ quyết định sự khởi sắc của thị trường BĐS thì rất khó xác định. Đặc thù của hoạt động mua bán BĐS Việt Nam vẫn còn mang tính bầy đàn, thấy được nhảy vào, thấy khó nhảy ra. Nhiều công ty tuyên bố rút khỏi thị trường nhưng liệu họ có tiếp tục nhảy vào “quấy rối”? Có nhiều ý kiến nhận định rằng, sự bất ổn của thị trường vẫn còn âm ỉ phía trước.
DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: