Top

Dự án khách sạn 3 sao sẽ hút vốn ngoại

Cập nhật 22/07/2014 13:21

“Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khách sạn, do đó, nếu là nhà đầu tư có vốn nhàn rỗi, tôi có thể xem xét đầu tư”, ông Askhay Kulkarni, Giám đốc dịch vụ tư vấn bất động sản khách sạn - nghỉ dưỡng Cushman & Wakefield khu vực Nam và Đông Nam Á khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên.


Cũng theo ông Askhay Kulkarni, giống như các thị trường khác, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ phát triển hơn theo thời gian. Xét về nguồn cung tại Việt Nam, khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp chiếm một số lượng lớn, sau đó là 3 sao và 4 sao. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhiều khả năng loại hình nghỉ dưỡng, khách sạn 3 sao sẽ được xây dựng nhiều hơn.

Xét trên góc độ khu vực, thì số lượng khu du lịch nghỉ dưỡng và khách sạn tại Hà Nội và TP.HCM vẫn còn ít hơn rất nhiều so với các thành phố khác tại châu Á như Jakarta, Kuala Lumpur, Singapore… “Thời gian tới, dự kiến số lượng bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam sẽ tăng lên nhiều hơn, nhưng loại hình phát triển dẫn đầu sẽ là 3 sao, thay vì hạng sang 5 sao như hiện nay”, ông Askhay Kulkarni dự báo.

Thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài triển khai các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Đơn cử vào tháng 5 năm nay, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng ở Vũng Rô (Phú Yên) với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD đã được các chủ đầu tư ký kết bản ghi nhớ xây dựng hạng mục đầu tiên. Đó còn là dự án tại Khu du lịch Bãi Rồng - Cam Ranh (Khánh Hòa) với tổng kinh phí lên đến 300 triệu USD...

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Askhay Kulkarni nhận xét, có khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hiện xem xét khả năng đầu tư tại Việt Nam vì họ thấy được  tiềm năng thị trường. Nếu như tiềm năng tăng, nhu cầu tăng, tỉ lệ hấp thụ tăng, thời gian hoàn vốn ngắn thì đương nhiên khả năng dự án được đầu tư sẽ rất cao...

Theo ông Askhay Kulkarni, thị trường du lịch khách sạn và du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam phụ thuộc vào hai yếu tố chính.

Thứ nhất, là lượng du khách tới các địa điểm thu hút nhiều khách du lịch.

Thứ hai, là yêu cầu của du khách xét về chất lượng các địa điểm du lịch, trong đó có khách sạn, các hoạt động nghỉ dưỡng...

Theo các nhà đầu tư, do là thị trường mới nổi,nên phần lớn chính sách, quy trình tại Việt Nam còn thay đổi, chưa thống nhất, rõ ràng và minh bạch như nhà đầu tư kỳ vọng. Đây cũng là điều mà các nhà đầu tư phải nghiên cứu và chiêm nghiệm trong thời gian dài trước khi quyết định. “Một khi bắt đầu khởi động dự án, các nhà đầu tư phải tự tin về quyết định đầu tư và tin tưởng tiềm năng lợi nhuận dự án mang về đủ lớn để họ mạo hiểm đầu tư”, ông Askhay Kulkarni nói và nhận định, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tới khảo sát thị trường Việt Nam, nhưng việc chính thức đầu tư  thì vẫn còn là vấn đề thời gian.     

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư