Top

Dự án BT chứa nhiều rủi ro

Cập nhật 08/11/2017 09:23

Vấn đề chỉ định thầu, đổi đất lấy hạ tầng...được mổ xẻ tại hội nghị về đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) do UBND TP.HCM tổ chức ngày 7.11.

Đường Phạm Văn Đồng, dự án đầu tiên tại TP.HCM thực hiện theo hình thức BT
ẢNH: KHẢ HÒA

Những lo ngại

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng xã hội hóa huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông, qua phương thức BT, BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)... đã mang lại nguồn vốn rất lớn trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn.

Tuy nhiên, việc thực hiện phương thức chỉ định thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng, hoặc theo hình thức BT, PPP (đối tác công - tư), BOT khá phổ biến thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội.

Hiệp hội kiến nghị thực hiện đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. “Bài học về đấu giá thành công khu đất số 23 Lê Duẩn vẫn còn. Giá khởi điểm 558 tỉ đồng, có 13 doanh nghiệp tham gia đấu giá, và mức thắng đấu giá lên đến 1.430 tỉ đồng”, ông Châu nói.

TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình Chính sách công - ĐH Fulbright VN, cho rằng nên hạn chế hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Thay vào đó, hãy bán đấu giá độc lập quyền sử dụng đất rồi lấy tiền thanh toán hợp đồng BT theo tiến độ.

Sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cho hay về huy động vốn đầu tư theo PPP, TP có 22 dự án đầu tư với tổng vốn hơn 69.000 tỉ đồng. Hiện có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào 130 dự án với trên 395.000 tỉ đồng.

Trong đó, loại hình BT có 95 dự án (chiếm 75% dự án), BOT và BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) có 21 dự án (16%). Lĩnh vực đầu tư nhiều nhất là hạ tầng giao thông, môi trường, đô thị, thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục...

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết sắp tới tất cả dự án BT tại TP sẽ phải đấu thầu chọn nhà đầu tư. Còn quỹ đất phải đấu giá sẽ tính đến giá trị không gian ngầm.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhu cầu vốn đầu tư của TP năm 2016 - 2020 cần đến 850.000 tỉ đồng, nhưng ngân sách chỉ giải quyết được 20%, nên cần huy động các nguồn lực rất lớn.

Chính quyền TP sẽ ban hành bộ quy trình thực hiện các dự án BT, sau đó sẽ báo cáo Thường vụ Thành ủy. Ông Phong cho rằng việc chọn nhà đầu tư phù hợp đóng vai trò rất quan trọng để dự án BT thành công. Sự công khai, minh bạch sẽ tránh được lợi ích nhóm, giúp ngăn ngừa tiêu cực.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên