Thời gian gần đây, thông tin về các lãnh đạo của Công ty TNHH Tập đoàn (TĐ) Thiên Thanh bị bắt khiến dư luận bất ngờ. Tại Đà Nẵng, phía TĐ đầu tư nhiều dự án (DA), đặc biệt là khu phức hợp TMDV cao tầng tại sân vận động Chi Lăng (gọi tắt là DA Chi Lăng) quy mô khoảng 750 triệu USD. Điều bức xúc là khi TĐ này nhảy vào, người dân sống trên "khu đất kim cương" đang ăn nên làm ra bị giải tỏa khiến họ choáng váng, nhưng đã gần bốn năm trôi qua công tác đền bù vẫn chưa giải quyết xong, đang rối như canh hẹ…
Nhà ông Em ở ngay ngã ba sau khi giải tỏa chỉ được phân lại một lô?
|
NHÀ XÂY CHƯA XONG ĐÃ... GIẢI TỎA!
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1964) có căn nhà tại 39B Triệu Nữ Vương nối dài (nay là đường Chi Lăng, nằm cạnh sân vận động). Họ về mua nhà tại đây đã 22 năm, từ thời còn con đường nhỏ, sau đó mới mở rộng theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhà của vợ chồng bà bị giải tỏa hơn 40m2 (nay còn 57,8m2 đất thực tế, trong sổ đỏ được công nhận 52,8m2).
Đầu năm 2010 có một công ty ở Hà Nội muốn đặt chi nhánh tại Đà Nẵng, đến ký hợp đồng (HĐ) nguyên tắc với vợ chồng bà Ngọc, thống nhất thuê 45 triệu đồng/tháng, ký trong vòng 7 năm. Phía đối tác đã cho bên bà Ngọc ứng trước 400 triệu để phụ việc xây dựng. Gia đình vay thêm ngân hàng (NH) xây nhà cho thuê. Khi đã xong phần thô, chuẩn bị hoàn thiện, bất ngờ cuối tháng 8-2010 cán bộ quận Hải Châu xuống thông báo ngừng thi công để giải tỏa khiến cả nhà choáng váng.
"Gia đình tôi bỏ gần 1,6 tỷ đồng xây dựng (đến thời điểm ngừng thi công), vay NH 1,5 tỷ (lãi suất bấy giờ khoảng 25 triệu/tháng) trong lúc nhà đang làm dở dang chẳng biết tính sao", bà Ngọc thở dài.
Xây không được, dừng cũng chẳng xong nên phía đối tác nghe tin đành rút lui, may mà họ chỉ đòi lại tiền ứng trước. Ngày 2-3-2011, gia đình bà Ngọc nhận bảng áp giá đền bù hết sức bèo, theo mức năm 2009. Trong đó, tiền đất chỉ có 24,024 triệu đồng/m2 (và chỉ chấp nhận đền bù 52,8m2), còn khoản xây dựng được nhận 709 triệu.
Lúc bấy giờ đất thị trường ở khu vực nhà bà Ngọc trên 100 triệu đồng/m2. Đã thế, tiêu chuẩn gia đình được chọn là ba địa điểm ở các tuyến: Ngô Gia Tự, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Lợi, nhưng khi nhận thì được biết đã hết, cả nhà bị "đẩy" lên đường 2-9 với mức giá qui định 15,8 triệu/m2 (thời điểm đó đất theo giá thị trường ở khu này khoảng 50 triệu/m2). Gia đình bà Ngọc không đồng ý, đề nghị Ban giải tỏa đền bù các DA đầu tư - xây dựng số 1 Đà Nẵng (gọi tắt là Ban GTĐB) bố trí lô gốc tại một trong ba tuyến trên để tiện kinh doanh và một lô phụ ở đường 7,5m để ở, nhưng không được giải quyết. Phía Ban GTĐB đến NH "nộp thế" cho bà khoản vay 1,5 tỷ đồng.
"Từ đó đến nay nhiều lần chúng tôi gửi đơn lên các cấp cũng không được giải quyết và thực tế hơn hai năm nay chẳng thấy ai đả động đến chuyện GTĐB. Còn gia đình tôi thì để căn nhà trơ trọi, không làm được gì, cũng chẳng ai dám thuê, trong khi nợ nần chồng chất. Thời điểm sau giải tỏa có người trả 8 tỷ mà tôi chưa bán", bà Ngọc bức xúc.
BỐN LÔ ĐẤT "VÀNG" CÙNG DÍNH DỰ ÁN
Bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1937) có hai căn nhà 248-250 Hùng Vương (ngay ngã tư đường này với Triệu Nữ Vương nối dài, nay là đường Chi Lăng). Trước đây bà Nhung chuyên kinh doanh vàng bạc, nổi tiếng với thương hiệu Phúc Hội. Từ ngày có lệnh giải tỏa, buôn bán ế ẩm, đau ốm thường xuyên nên bà nghỉ bán. Hai căn nhà trên ngoài ở ra, bà còn cho thuê được 30 triệu đồng/tháng. Thời gian đó có người trả gần 35 tỷ, đến khi đền bù thì chưa được 5 tỷ. Sau nhiều lần thương lượng, Ban GTĐB quyết định đền bù cho cả hai căn 248 - 250 Hùng Vương hai lô đất chính liền kề ở đường Nguyễn Thị Minh Khai và lô tại khu Cổ viện Chàm. "Nếu so sánh lô đất mà Ban GTĐB sẽ giao với giá trị thực của hai căn nhà vào thời điểm đó (cuối năm 2011) thì tôi mất từ 12 đến 17 tỷ đồng", bà Nhung buồn rầu.
Được biết ngoài hai căn nhà trên, trong khu DA này bà Nhung còn cho con trai và con gái hai lô nữa. Một lô của anh Hồ Minh Cảnh (đường Ngô Gia Tự, rộng 103m2, nhà 3 tầng), lô của con gái bà là Hồ Thị Hồng ở đường Triệu Nữ Vương (60,6m2). Khi đang giải tỏa, có người trả được giá, chị Hồng bán rồi mua lại lô phía bên kia đường Triệu Nữ Vương để kinh doanh vàng. Anh Cảnh đành chấp nhận lấy hai lô chính, nhưng nay mới nhận được một ở đường Hải Phòng.
MỖI NGƯỜI MỖI CẢNH
Hộ ông Hồ Văn Em (SN 1952) ở 36 Ngô Gia Tự (ngay ngã tư Ngô Gia Tự - Lê Duẩn), một trong những địa thế đẹp hàng đầu Đà Nẵng, sinh sống, kinh doanh tại đây đã hơn 30 năm, nay cũng gặp cảnh đắng cay. "Sau khi hiến đất làm đường Lê Duẩn, nay nhà tôi còn 76,8m2, mặt tiền vòng quanh 18m nhưng đền bù quá thấp. Với mức 16,632 triệu đồng/m2, nếu đất thị trường địa điểm này lúc đó trên 120 triệu/m2 thì chênh lệch quá nhiều. Gia đình tôi có 17 nhân khẩu (nhiều hộ), trong khi đó Ban GTĐB chỉ bố trí một lô ở đường Pasteur (giá qui định khoảng 15,8 triệu/m2 trong khi thị trường khoảng 60 triệu/m2) nên chúng tôi không đồng ý. Từ đó đến nay gia đình cũng chưa nhận đất lẫn tiền đền bù”, ông cho biết.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Thu Cúc cũng vô cùng nan giải khi căn nhà 40,8m2 ở số 99 Lê Duẩn (đang kinh doanh quần áo) săn suốt 6 năm mới mua được hơn 1 năm, giá 4 tỷ đồng, thì nhận lệnh giải tỏa. Khoản đền bù chỉ được 1,5 tỷ trong khi nếu nộp tiền đất cho lô mới thì đã gần hết nên chị chẳng biết lấy đâu ra để xây nhà, kinh doanh?
(Còn tiếp)
DiaOcOnline.vn - Theo CA TP.HCM
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: