Top

Đóng tiền đất ở ngoài hạn mức: lại “nín thở” chờ quy định mới

Cập nhật 09/02/2012 13:10

Dù quyết định 64 của UBND TP.HCM về hướng dẫn việc thu tiền sử dụng đất ngoài hạn mức đã có hiệu lực hơn ba tháng, nhưng đến nay việc dân đóng khoản tiền này cho các cơ quan thuế vẫn hoàn toàn bế tắc. Theo phản ánh, nguyên nhân là do quy định có nhiều điểm bất hợp lý, khó thực thi trên thực tế.

Đất nông nghiệp muốn chuyển thành đất ở phải đóng thuế nhưng không phải muốn đóng thuế là được vì các quy định đang bị kẹt. Ảnh: Tùng Quang

Cả ngàn hồ sơ nằm im


Đầu năm 2010, bà Thanh Hà tích cóp mua 247m2 đất nông nghiệp tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Từ tháng 5.2010 đến nay bà đã đi “mòn gót chân” đến cơ quan thuế quận Thủ Đức để xin được đóng tiền sử dụng đất nhằm chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở đô thị. Tuy nhiên, cơ quan thuế nơi đây không dám thu mà chỉ động viên bà hãy chờ được hướng dẫn.

Theo quyết định 64, số diện tích vượt ngoài được đóng tiền sử dụng đất gấp hai lần so với bảng giá đất do Nhà nước ban hành, nhưng với điều kiện đất đó đã được công nhận chủ quyền và diện tích chỉ tối đa 50% hạn mức đất ở, phần diện tích vượt hạn mức còn lại sẽ nộp theo giá thị trường. Tuy nhiên, phần nộp theo giá thị trường là nộp như thế nào, ai thẩm định thì chưa có ai hướng dẫn nên cơ quan thuế chưa biết thu ra sao. Đây là nguyên nhân khiến người dân cứ “dài cổ” chờ đợi.

Không đóng được tiền sử dụng đất, bà Hà đành ôm khoản nợ 200 triệu đồng vì phải bồi thường hợp đồng do thực hiện không đúng cam kết khi chuyển nhượng cho người khác.

Theo phản ánh từ chi cục thuế quận Thủ Đức, hiện số hồ sơ tồn đọng tại quận này lên đến con số 1.600. Do vậy, từ cuối năm 2011 đã xuất hiện nhiều trường hợp người dân đến xin rút lại hồ sơ đóng tiền sử dụng đất vì lý do số tiền đóng quá cao, thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài.

Ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị từ các quận huyện khác cũng cho thấy, hiện người dân không mặn mà với việc làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất. Đây là điều trái với dự đoán của nhiều quận khi quyết định 64 ra đời.

Quận 12 dù thành lập hẳn một tổ tiếp nhận để giải quyết cho dân nhưng cũng chỉ lèo tèo vài hộ dân đến xin kê khai. Trong khi đó, theo lãnh đạo chi cục thuế quận 12, quận còn tồn tới hơn 700 hồ sơ phải thẩm định theo giá thị trường.

Tại quận 9, tình hình không khá hơn khi còn nhiều hồ sơ bế tắc nhưng dân đến kê khai thưa dần vì đi mãi cũng chán. Còn huyện Hóc Môn thì dù có tới gần 50 hồ sơ đủ điều kiện để giải quyết cho đóng thuế nhưng cũng chỉ có không tới mười hộ dân đến nộp tiền…

Rối chồng rối

Một vấn đề liên quan đến quyết định 64 mà nhiều người quan tâm là đối với phần diện tích vượt hạn mức lớn hơn 50% hạn mức đất ở thì phải được tổ chức thẩm định giá để ra “giá thị trường” khi nộp tiền sử dụng đất. Sau khi có chứng thư thẩm định giá, quận huyện tổ chức nghiệm thu chứng thư và có văn bản báo cáo sở Tài chính thẩm định lại, trình UBND thành phố xem xét.

Theo giám đốc một doanh nghiệp nhà đất tại quận 9, với thủ tục rườm rà và vòng vèo như vậy, muốn hoàn tất một chứng thư thẩm định giá, ít nhất người dân phải chờ vài tháng. Chưa kể, nếu chứng thư không sát giá thị trường hay có sai sót gì, khi trình lên không được xem xét sẽ còn tốn nhiều thời gian hơn nữa. “Chúng ta đang cải cách hành chánh mà lại thêm những thủ tục như vậy đúng là chỉ khổ cho người dân”, ông này nói.

Mặt khác, dù phải thông qua đơn vị thẩm định giá nhưng câu hỏi muôn thuở vẫn chưa có lời giải đáp: như thế nào là sát giá thị trường? Cơ sở pháp lý để xem xét giá thị trường ở đâu ra?... Bởi hiện nay chưa có đơn giá nào xác định chính xác giá thị trường. Trên cùng một con đường, ở đầu đường giá khác, giữa đường, cuối đường giá khác. Hiện nay việc xác định giá thị trường thường dựa vào các giao dịch liền kề. Tức là lấy giá một căn nhà gần đó để tính giá cho căn nhà cần bán. “Tuy nhiên, phần lớn giá thoả thuận bán một đằng nhưng khi ra công chứng giá một nẻo. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng không có cơ sở để tính giá thị trường”, vị giám đốc này cho hay.

Kiến nghị thu gấp hai lần giá quy định UBND TP.HCM vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc thu tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức. Cụ thể, phần diện tích vượt hạn mức phải nộp gấp hai lần bảng giá do UBND thành phố quy định hàng năm. Trường hợp chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở thì phần diện tích vượt hạn mức phải nộp theo giá thị trường trong điều kiện bình thường.

Phần lớn người dân khi gửi đơn thư về báo Sài Gòn Tiếp Thị cũng đề xuất một giải pháp là thành phố nên điều chỉnh lại quyết định 64. Cụ thể, đất vượt hạn mức thay vì đóng tiền theo giá thị trường thì chỉ phải nộp bằng hai lần bảng giá đất thành phố quy định hàng năm.

Đây là giải pháp đơn giản, khả thi, thuận lợi cho người dân và các cơ quan chức năng. Việc quy định hệ số K bằng 2 thống nhất cho đất ngoài hạn mức, hoàn toàn phù hợp với thông tư 93 của bộ Tài chính (về hướng dẫn thu tiền sát với giá thị trường). Kiến nghị này của người dân cũng là kiến nghị của các quận huyện trong cuộc họp với sở Tài chính TP.HCM cách đây ba tháng.

Như vậy, hàng ngàn hồ sơ của người dân có đất ở vượt hạn mức bị treo suốt hai năm qua đến nay lại tiếp tục ách lại vì phải chờ ý kiến của Chính phủ.



DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị