Đổi đất lấy hạ tầng là cơ chế thiếu minh bạch, dễ nhập nhèm, khiến Hà Nội có thể bị thiệt đơn, thiệt kép
Thiệt hại kép
Trước thông tin, Hà Nội đổi gần 40ha đất thuộc Quy hoạch phường Đại Mỗ, để lấy dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3, có chiều dài 2,85km, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,42 tỷ đồng, GS.TS Đặng Đình Đào cho rằng, Hà Nội chưa rút ra được kinh nghiệm từ những sai lầm trước đây.

Nhiều lo ngại về cơ chế thực hiện dự án đổi đất lấy hạ tầng. Ảnh: Kinh tế đô thị |
"Hà Nội đã thực hiện nhiều dự án theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) và hầu hết các dự án đều xảy ra một lỗi chung: chỉ định thầu, giao đất không qua đấu giá... gây thua thiệt, thất thoát cho nhà nước.
Chính phủ đã giao cho Hà Nội phải tự chịu trách nhiệm trong quyết định xây dựng các dự án hạ tầng, cũng như phải tự chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của dự án, đồng thời phải bảo đảm khai thác tốt nguồn lực từ đất. Tuy nhiên, nhìn vào những gì Hà Nội đang làm thì chúng ta thiếu hẳn niềm tin, có cảm giác Hà Nội chưa rút ra được kinh nghiệm, vẫn tiếp tục đi theo vết xe đổ của các dự án khác.
Tôi muốn nghe xem giải pháp của Hà Nội là gì? Hà Nội đã có cách thức gì để kiểm tra, giám sát, để khắc phục những lỗ hổng, những sai sót từ các dự án từng xảy ra trước đó?", GS Đặng Đình Đào bộc lộ quan điểm.
Vị GS nhấn mạnh, không thể để Nhà nước và người dân bị thiệt quá nhiều, mất đất, mất tiền giải phóng mặt bằng, lại còn phải chạy theo chiều chuộng chủ đầu tư..., trong khi lợi ích không hướng về phía người dân và Nhà nước.
"Giao đất ngang giá, không qua đấu thầu đã là kẽ hở gây thất thoát, mất mát lớn. Khi thực hiện dự án lại đội vốn, kéo dài thời gian, lấy mọi lý do để xin thêm là kẽ hở thất thoát tiếp theo. Trong quá trình triển khai dự án, công tác quản lý, giám sát không tốt, không khai thác được nguồn lực từ đất đai hai bên đường tiếp tục là kẽ hở thất thoát, lãng phí nữa... Nếu chỉ nhìn qua đã thấy thành phố Hà Nội đang phải đứng trước nguy cơ thiệt đơn, thiệt kép.
Bản thân Hà Nội cũng đã phải nhận rất nhiều những chỉ trích về dự án hàng nghìn tỷ đồng một ki-lô-mét, vậy, tại sao một cơ chế với nhiều điểm yếu, nhiều kẽ hở như vậy vẫn được lựa chọn?", GS Đặng Đình Đào đặt câu hỏi.
Trước những lo ngại trên, GS Đặng Đình Đào cho rằng, Hà Nội cần phải công khai, minh bạch quỹ đất dùng để quy đổi, thực hiện theo cơ chế đấu thầu công khai, nguồn tiền thu được sẽ sử dụng để xây dựng dự án.
Đáng lưu ý, GS Đặng Đình Đào cho rằng, trong phạm vi lập quy hoạch tối thiểu là 50m mỗi bên kể từ phía ngoài chỉ giới đỏ của tuyến đường, thậm chí là 80m phải được giao cho Nhà nước quản lý. Sau khi dự án được thực hiện xong, diện tích đất trên phải được đưa ra đấu giá công khai, thu hồi chi phí cho ngân sách.
Trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn lực hạn hẹp, GS Đặng Đình Đào cho rằng, Hà Nội nên thu hút thêm nguồn lực từ các nhà đầu tư nước ngoài để đảm bảo khách quan, công bằng, đa dạng nguồn vốn.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào các nhà đầu tư trong nước cũng khiến Hà Nội gặp khó khăn trong việc xác định đơn giá chính xác để đầu tư một cây số đường. Theo vị GS, đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều dự án bị đội vốn lên vô tội vạ nhưng vẫn không có được cơ sở để so sánh, đối chiếu. Vì thế, GS Đào cho rằng, việc để nhà đầu tư nước ngoài tham gia sẽ giúp Hà Nội có thêm cơ sở xây dựng đơn giá đối chiếu, tránh tình trạng mập mờ, chủ đầu tư đưa gia nào cũng phải chấp nhận.
Sẽ giám sát chặt chẽ
Trước những lo ngại về cơ chế đổi đất lấy hạ tầng dễ nhập nhèm, nảy sinh tiêu cực, báo Đất Việt đã đặt câu hỏi với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội về những điểm mờ trong cơ chế đổi đất lấy hạ tầng, cụ thể với dự án này: Hà Nội đã tính toán thế nào khi quyết định lựa chọn hình thức đổi đất lấy hạ tầng? Những kẽ hở dễ gây thất thoát đã được tính đến chưa và làm sao bảo đảm khai thác nguồn lực từ đất đạt hiệu quả cao nhất?
Phản hồi lại những băn khoăn trên, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, thành phố sẽ giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện dự án để tránh xảy ra tiêu cực, nhập nhèm.
Ông Hùng nói: "Dự án còn nhiều bước phải làm. Còn đàm phán trước khi ký hợp đồng. Đất đối ứng được xác định giá trị theo đơn giá quyết định tại thời điểm giao đất, chỉ thanh toán sau khi có kết quả kiểm toán Nhà nước".
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: