Top

Doanh nghiệp “ngại” chương trình nhà ở cho công nhân

Cập nhật 27/10/2009 14:15

Nhà ở là nhu cầu bức thiết hiện nay của công nhân lao động. (Ảnh: Internet)

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 37.000 doanh nghiệp thu hút gần 900.000 công nhân, trong đó khoảng 70% là lao động từ ngoại tỉnh.

Quyết tâm giúp người lao động "an cư lạc nghiệp", ngay từ tháng 6/2006 thành phố đã khởi động chương trình nhà ở với mục tiêu đến năm 2010 phải xây dựng được 1 triệu m2 nhà.

Ba năm xây dựng hơn 70.000m2 nhà ở

Theo thống kê của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2006 đến nay thành phố đã xây dựng hơn 1,3 triệu m2 nhà ở cho công nhân, tăng 29% so với chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, tại cuộc khảo sát về tình hình nhà ở cho người lao động mới đây, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố phân tích: “Khi rà soát lại những con số ấn tượng trên, chúng tôi phát hiện thực chất thành phố và doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới nhà ở cho công nhân chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, khoảng 5,6%. Phần còn lại là do người dân tự đầu tư xây dựng theo kiểu tự phát”.

Sau hơn 3 năm phát động chương trình, hiện có hơn 60 doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp - khu chế xuất. Tổng diện tích xây dựng mới hơn 73.000m2, giải quyết chỗ ở cho gần 17.000 công nhân.

Các mô hình đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân phổ biến là: Đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp-khu chế xuất; doanh nghiệp xây dựng-kinh doanh địa ốc và những doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp-khu chế xuất tự bỏ kinh phí đầu tư...

Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đã có khu nhà ở cho công nhân khang trang như khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Tân Bình, Tân Tạo... Tuy nhiên, con số trên chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại phần lớn do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng cho công nhân thuê.

Những năm gần đây, Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn đã xây dựng 2 khu nhà ở cho công nhân đầu tiên ở quận 7 giúp gần 1.000 lao động an cư. Hiện công ty đang chuẩn bị khởi công tiếp 2 khối nhà khác với tổng nguồn vốn gần 40 tỷ đồng từ vốn vay ưu đãi về lãi suất của thành phố.

Được đánh giá là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn, đi đầu xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhưng theo ông Hoàng Ngọc Ánh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn thì các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật như hiện nay chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân.

Nhếch nhác nhà trọ tự phát

Khảo sát của các ngành chức năng, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 19.000 hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê. Với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 1,2 triệu m2, các khu vực nhà trọ tự phát này đã đáp ứng khoảng 420.000 chỗ ở cho người lao động, chiếm tỷ lệ hơn 94% chỗ ở của công nhân. Do người dân tự bỏ tiền xây dựng với mục đích kinh doanh nên diện tích sử dụng chỉ khoảng hơn 3m2/người.

“Một diện tích quá nhỏ như thế không đảm bảo được điều kiện sống tối thiểu của người lao động chứ chưa nói đến việc họ có điều kiện nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Thậm chí nhiều khu vực còn thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như điện, nước máy...”, ông Đặng Văn Khoa nói.

Khi đến thăm chỗ ở của hai anh em Nguyễn Quốc Sỹ, chỗ nấu ăn của họ và cả phòng 6 người là một góc sát hành lang. Căn phòng hai người chưa tới 12m2 nằm trong một dãy hơn 20 phòng của gia đình bà Ánh, phường Linh Trung, quận Thủ Đức. Vách là tường gạch được xây đơn giản, mái lợp tole, lơ lửng cái bóng điện giữa nhà tỏa ánh sáng oi ả.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Giám đốc Ban quản lý ký túc xá công nhân khu chế xuất Tân Thuận cho biết: “Vậy là bình thường. Ở khu vực gần khu chế xuất Tân Thuận còn có những khu nhà trọ ngập nước khi thủy triều lên; chủ nhà trọ giao cho xã hội đen quản lý gây khó dễ cho công nhân làm cho tình hình an ninh trật tự rất phức tạp...”.

Ông Nguyễn Tấn Bền, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố thừa nhận, các nhà trọ tự phát hầu hết chỉ là nhà cấp 4 nên chưa đạt chất lượng, thiếu ánh sáng, không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh...

Qua khảo sát, hơn 70% các nhà trọ không có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, không xin phép xây dựng, chưa đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, thiếu tiện nghi sinh hoạt cơ bản... Theo ông Bền, chỉ khoảng hơn 25% nhà trọ đáp ứng yêu cầu và đã được các ngành cấp giấy phép kinh doanh.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có khu chế xuất-khu công nghiệp khi phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 phải dành quỹ đất để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và những tiện ích khác. Nhưng rất ít doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành quy định này.

Thực tế chỉ các khu công nghiệp-khu chế xuất được xây dựng mới đây sau khi cấp phép hoặc phê duyệt quy hoạch, các địa phương mới bắt buộc dành quỹ đất để làm nhà lưu trú, còn những dự án đã triển khai trước đó không hề có nghĩa vụ này.

Tuy nhiên điều đáng nói, dù được xây dựng mới sau khi có quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố, nhưng đến nay quy hoạch chi tiết tại không ít quận, huyện hầu như chưa xác định được đất dành cho nhà ở công nhân; hiện nhà ở công nhân chủ yếu được xây dựng theo dạng nhà tập thể, chắp vá thiếu phòng dành cho hộ gia đình hoặc các tiện nghi phúc lợi công cộng...

Ông Thái Văn Mến, Tổng giám đốc Công ty Tân Tạo cho biết, khu công nghiệp Tân Tạo có khoảng trên 30.000 công nhân, đa phần đều ở tạm bợ tại các khu nhà trọ của dân. Sau khi thấy nhu cầu nhà ở cho công nhân quá bức xúc, doanh nghiệp đã quyết định xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện chương trình nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên quy trình thủ tục rất mất thời gian, phiền hà, rắc rối dễ làm giảm “lửa” nhiệt tình của doanh nghiệp trong khi nhu cầu của công nhân ngày càng tăng.

Theo nhận xét của nhiều người trong cuộc, dù nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi xây nhà ở cho công nhân, nhưng vẫn còn các cơ chế, chính sách không rõ ràng. Cụ thể, ngành tài chính, ngân hàng vẫn chưa có chính sách cụ thể dẫn đến thực trạng nhiều tổ chức có nguồn vốn dồi dào vẫn còn đứng ngoài chương trình. Vì thế việc điều hành không chỉ dựa vào vốn ngân sách mà cần có cơ chế để thu hút và đa dạng nhiều nguồn vốn trong xã hội.

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng khiến doanh nghiệp ngại ngần không muốn xây dựng nhà trọ cho công nhân là do sợ lỗ, không hiệu quả trong đầu tư. Để thu hồi được nguồn vốn, trung bình mỗi doanh nghiệp phải mất 20 - 30 năm, chưa tính đến phí phát sinh như quản lý, lãi suất...

“Với cùng một nguồn vốn như thế nếu doanh nghiệp đầu tư vào một lĩnh vực nào đó sẽ cho lợi nhuận cao và đồng vốn cũng xoay vòng nhanh hơn. Với khu nhà ở cho công nhân ở khu chế xuất Tân Thuận này, mỗi tháng chúng tôi đang phải bù lỗ gần 100 triệu đồng”, ông Hoàng Ngọc Ánh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+