Top

Doanh nghiệp địa ốc được "hà hơi thổi ngạt"

Cập nhật 19/04/2012 09:30

Việc Ngân hàng nhà nước đưa ra những quyết định nhằm phá băng thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các doanh nghiệp đang cần nhiều hơn nữa do đã quá kiệt sức.

Sau một thời gian dài ngân hàng ngừng bơm vốn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã rơi vào tình trạng kiệt quệ với khoản nợ lớn, lãi vay ngân hàng phải trả, hàng tồn kho không bán được, giá giảm mạnh…

Theo thống kê sơ bộ của toàn hệ thống ngân hàng, hiện dư nợ cho vay bất động sản xoay quanh con số 200.000 tỷ đồng chiếm 10% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống.

Khoản dư nợ này hầu hết được các doanh nghiệp bất động sản vay từ các ngân hàng thương mại cách đây 2-3 năm về trước khi thị trường bất động sản ở thời “đỉnh cao”. Nếu tính lãi suất trung bình khoảng 20%/năm thì mỗi năm các doanh nghiệp bất động sản phải trả lãi vay lên đến 40.000 tỷ đồng.

Điều đáng nói, để có thể vay được tiền từ ngân hàng nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chuyển gần như hết các tài sản thậm chí các cổ đông của các công ty lớn cũng phải đem thế chấp tài sản cho các ngân hàng.

Trước thực trạng khó khăn của các doanh nghiệp, mới đây Ngân hàng nhà nước đã đưa ra những quyết định mới về chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Trong đó, song song với việc hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái nới tín dụng đối với BĐS và tiêu dùng. Theo đó, dư nợ tín dụng bất động sản cũng được mở với mọi loại hình vay bao gồm vay để mua bán nhà ở đầu tư, đầu cơ, để ở; mở cho vay xây dựng BĐS để bán, để ở. Loại trừ 50% nhóm đối tượng cho vay thuộc lĩnh vực bất động sản ra khỏi diện không khuyến khích cho vay….

Theo đánh giá của ông Phan Thành Mai - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, sau gần 1 năm khó khăn, đây là lần đầu tiên ngân hàng nhà nước đưa ra những quyết định trợ cho doanh nghiệp và kích lệ đối với thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nhiều hơn thế tại thời điểm này.

Bản chất các doanh nghiệp trong thời gian qua có ưu tín, có tiềm lực đều đã tham gia thị trường BĐS và đều có các khoản vay và sắp đến hạn, chuẩn bị đến hạn phải trả lãi, gốc và hàng loạt các vấn đề liền quan.

Như vậy, việc quan trọng lúc này là phải xử lý các khoản vay mà của các doanh nghiệp. Việc thứ hai, tất cả các tài sản thế chấp của doanh nghiệp trong thời gian qua khi đã hoạt động đầu tư thì đã sử dụng làm tài sản thế chấp. Như vậy, bản chất không còn tài sản để vay tiếp tục các khoản vay mới.

Vì vậy, ngân hàng cần có gói tái cấu trúc về các khoản nợ như giãn nợ, khoanh nợ...đối với các doanh nghiệp có lịch sử hoạt động ổn định.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp giải quyết các nợ xấu của doanh nghiệp. Nhiều khi doanh nghiệp bị nợ xấu không hẳn vì doanh nghiệp này yếu mà bản chất rơi vào tình huống không còn khả năng để trả lãi đúng thời điểm này do thị trường đóng băng không có các khoản thu mới, khoản vay quá lớn nên dự án buộc chậm triển khai.

"Các doanh nghiệp đã tham gia sâu trong thị trường BĐS muốn đầu tư lớn cũng như doanh nghiệp có các khoản vay thì họ mới có cơ hội để tái cấu trúc. Còn nếu không giải quyết được vấn đề tồn đọng thì thực sự các doanh nghiệp BĐS rất là khó khăn, kể cả các khoản vay mới với lãi suất tốt hơn thị trường hiện tại nhờ chính sách mới của NHNN và Chính phủ" ông Mai cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia