Top

Doanh nghiệp BDS được “bơm“ thêm vốn cũng không mừng

Cập nhật 13/04/2012 13:00

Van tín dụng đã được nới lỏng, thế nhưng, theo phản phản ánh của các doanh nghiệp bất đống sản, dẫu có bơm bao nhiêu vốn trở lại thì thị trường cũng khó mà hồi phục được khi còn mắc kẹt trong các quy định tại Nghị định 69/2009/NĐ-CP.


Theo Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh (HoREA), bất cập lớn nhất của Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 và Nghị định 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 là cách tính tiền sử dụng đất được xác định bằng 100% giá thị trường thông qua thẩm định giá. Điều này dẫn đến tình trạng DN vừa phải bồi thường cho người dân theo giá thị trường lại vừa phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước cũng theo giá thị trường, không khác nào phải “mua đất 2 lần”.

Quy định này không chỉ gây khó khăn cho DN trong việc đóng tiền sử dụng đất vì số tiền phải nộp quá lớn, cơ quan tài chính, thuế cũng gặp khó khăn trong việc thu tiền sử dụng đất vì cũng không có cơ sở để xác định được đâu là giá thị trường. Đồng thời, việc tiếp cận nhà ở của người dân cũng gặp khó khăn vì giá thành bị đẩy lên quá cao.

Theo ông Nguyễn Cảnh Hà, Giám đốc Công ty An Thiên Lý, việc nộp thuế 100% sát giá thị trường theo Nghị định 69 xem như tịch thu dự án dẫn đến thị trường ách tắc. Quy định này chỉ đúng với những trường hợp đất công mặt tiền đường không cần phải đền bù, san lấp và đầu tư mặt bằng xã hội. Ông Hà kiến nghị, cần đưa ra một bảng giá đất hàng năm sát giá thị trường và thu tiền sử dụng đất với mức thuế từ 15-20% theo bảng giá đất này, đối với những mảnh đất công khi làm dự án thì đưa ra đấu thầu.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành cũng cho rằng, quy định về thuế nên trên cơ sở tính đúng, hợp lí tránh tình trạng lạm thu và tận thu. Nên chia làm hai loại thuế đối với đất sở hữu nhà nước thì nhà nước được quyền thu 100% để chuyển quyền sử dụng đất cho DN. Còn đối với đất mua lại của dân thì bản chất là đất do DN đầu tư. Nhà nước chỉ cấp sổ đỏ thì chỉ nên thu thuế chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 10-20% giá thị trường. Nếu cào bằng thu 100% giá thị trường trong mọi trường hợp thì DN sẽ chỉ trông vào quỹ đất công vốn đã rất hạn hẹp chứ không dám chủ động đầu tư các dự án BĐS.

Về phía cơ quan thuế, chính Nguyễn Đình Tấn, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, chính sách thuế với lĩnh vực BĐS còn rất nhiều bất cập. Tuy nhiên, bên cạnh những bất cập về chính sách gây khó khăn cho DN thì cũng có không ít kẽ hở tạo cơ hội cho DN BĐS cố tình chây ỳ nợ thuế.

Hiện nay hệ thống các qui định pháp luật Việt Nam chưa có điều khoản nào cho phép DN nợ tiền sử dụng đất nhưng cũng không quy định cụ thể bắt buộc DN phải nộp ngay hoặc nộp trong thời gian bao lâu. Điều này dẫn tới tình trạng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh số các DN BĐS nợ tiền thuế đất lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Hàng loạt dự án dù chủ đầu tư đã bán hết từ lâu nhưng tiền thuế sử dụng đất vẫn chưa được đóng vào ngân sách. Ông Tấn cho rằng việc đẩy mạnh tính thanh khoản thị trường BĐS không chỉ tập trung vào việc nới rộng tín dụng mà phải tháo gỡ trong chính sách thuế.

Từ tháng 2/2011, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổng hợp cùng các địa phương tiếp tục đánh giá kỹ hơn, lượng hóa các kết quả trong triển khai Nghị định 69 cũng như các chính sách đất đai khác; có hướng dẫn cụ thể, nhất quán để áp dụng phù hợp, đạt hiệu quả. Đến cuối năm, trước các phản ánh về những vướng mắc phát sinh khi thực hiện Nghị định 69, một lần nữa Phó thủ tướng lại yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, báo cáo Chính phủ. Tiếc rằng, đến nay vẫn đề vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo.

DiaOcOnline.vn - Theo PLVN