Top

Doanh nghiệp BĐS dè dặt đón tin tốt

Cập nhật 17/04/2012 11:10


Theo các chuyên gia, thị trường BĐS Hà Nội vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong quý II/2012
Các chuyên gia đều nhận định, thị trường nhà đất Hà Nội trong quý II/2012 vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

Giá tiếp tục giảm


Bà Trần Thị Thu Hiền, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS DTJ phản ánh, trong tháng đầu quý I/2012, thị trường ghi nhận sự sụt giảm sâu của giá căn hộ tại các quận Hà Đông, Từ Liêm, Long Biên. Trong đó, khu vực Long Biên giảm sâu nhất, với mức giảm trung bình là 7%, kế đến là khu vực Hà Đông giảm 5% sau khi đã điều chỉnh giảm sâu 15% trong cuối năm 2011. Duy chỉ có các căn hộ đã nhận nhà, về ở hoặc sắp bàn giao nhà là giữ giá.

Ở phân khúc nhà liền kề, biệt thự tại các dự án đô thị mới, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn BĐS Sohovietnam cho biết, giá đã giảm khoảng 20 -30% so với cùng kỳ năm ngoái, cá biệt có những dự án giảm giá tới 40%. Giao dịch đặc biệt chậm đối với biệt thự hoặc nhà liền kề có diện tích lớn mặc dù giá đã giảm nhiều. Riêng nhà liền kề diện tích nhỏ từ 60 - 80 m2 và có giá bán khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng vẫn thu hút sự quan tâm nhiều nhất của người mua.

Theo ông Cần, phân khúc nhà thổ cư, nhà phố có số lượng chào bán tăng lên, đây là hiện tượng phản ánh mức độ quá khó khăn trên thị trường BĐS bởi khách hàng đã phải chào bán những tài sản giá trị và còn tính thanh khoản. Hiện tại, giá nhà phố đã giảm khoảng 20 - 25% so với trước đây. Nhà phố đang cho thuê hoặc kinh doanh tốt được nhiều khách hàng quan tâm. Phân khúc nhà trong ngõ, diện tích nhỏ 40 - 60 m2 có nhiều giao dịch thành công.

Kéo người mua trở lại


Đánh giá quyết định đưa BĐS ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích cho vay là một tín hiệu tốt, nhưng ông Nguyễn Đức Ngọc, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị Tập đoàn TD Group cho rằng, quyết định này chỉ có lợi cho một số đối tượng nhất định, đặc biệt là các dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn các dự án mới bắt đầu triển khai sẽ không được hưởng lợi nhiều.

“Giảm lãi suất ngân hàng và mở van tín dụng chưa phải là vấn đề cốt lõi để cứu thị trường hiện nay, vấn đề chính vẫn là tính thanh khoản của sản phẩm. DN chỉ có bán được hàng mới mong thoát ra khỏi tình trạng khó khăn. Vì vậy, dòng vốn và tính thanh khoản của thị trường phải luôn luôn song hành với nhau”, ông Ngọc nói và cho biết thêm: “Một số chủ đầu tư chấp nhận ngừng hoặc giãn tiến độ dự án từ 2 - 3 năm để chờ thị trường phục hồi, chứ không dám đi vay ngân hàng với lãi suất như hiện nay”.

Cùng quan điểm trên, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Knight Frank Vietnam cho rằng, trên thực tế, lãi suất cho vay vẫn đang đứng ở mức cao và phần lớn chủ đầu tư, người mua e ngại tiếp cận vốn vay ngân hàng khi so sánh với tỷ suất lợi nhuận hàng năm mà họ có thể đạt được. Thêm vào đó, nhiều DN và nhà đầu tư BĐS đã phải chịu lỗ trong 2 năm qua vì nguồn cung quá dồi dào và sẽ mất một khoảng thời gian nữa để niềm tin trở lại.

Theo ông Stephen Wyatt, ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm sao để thị trường BĐS sẽ hoạt động tốt trong năm nay. “Chúng tôi mong muốn được nhìn thấy một mức lãi suất hạ đáng kể trong thời gian còn lại của năm nay, điều này sẽ làm thị trường đi lên một cách ổn định. Ưu tiên đầu tiên cho thị trường BĐS Việt Nam hiện nay là làm sao để kéo người mua quay trở lại thị trường”, ông Stephen Wyatt nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán