Tuần qua, có hai sự kiện liên quan đến giao thông tại các cửa ngõ của TPHCM. Một là, thành phố khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2; hai là, thành phố họp bàn về việc mở rộng quốc lộ 1 đoạn đi qua huyện Bình Chánh.
Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, với những động thái này, thành phố quyết tâm giải quyết tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ, tạo điều kiện cho hoạt động giao thương giữa TPHCM và các tỉnh phát triển hơn nữa.
Mở rộng quốc lộ 1
Quốc lộ 1 đoạn đi qua huyện Bình Chánh dài chỉ 8km, bằng khoảng 17% chiều dài của toàn tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn TPHCM, nhưng 3 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 15 vụ tai nạn giao thông làm chết 15 người, chiếm 50% số vụ và số người chết do tai nạn giao thông trên toàn tuyến quốc lộ 1. Chưa hết, nơi đây cũng là một trong những điểm đen về ùn tắc giao thông, nhất là từ khi đường cao tốc TPHCM - Trung Lương bắt đầu thu phí, một lượng xe ô tô khổng lồ “bỏ” đường cao tốc, quay trở lại quốc lộ 1A để khỏi phải nộp phí.
Thống kê của Tổng Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) cho thấy, thời điểm đường cao tốc chưa thu phí, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 728 lượt xe tải trên 10 tấn và xe container 20 feet trở lên lưu thông qua quốc lộ 1 thì nay là 2.836 lượt, tăng 290%. Ngay cả loại ô tô nhỏ, đối tượng phải chịu phí khi đi đường cao tốc khá rẻ cũng có nhiều xe chuyển hướng đi. Nếu như trước kia có 4.572 lượt xe/ngày đêm thì nay đã tăng lên 5.866 lượt xe/ngày đêm.
Dòng xe nối đuôi nhau chạy trên Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Chánh. Ảnh: KIM NGÂN
|
Trong cuộc họp tại Sở GTVT tuần qua, Tổng Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh đưa ra 2 phương án: một là mở rộng quốc lộ 1 mỗi bên thêm 3,5m, hai là mở thêm mỗi bên 5m, nâng chiều rộng đường lên 35m (kể cả vỉa hè). Với diện tích mở rộng lớn hơn tất nhiên phương án 2 có nhiều ưu thế về tổ chức giao thông hơn phương án 1. Thế nhưng, nhược điểm của phương án 2 là khối lượng đền bù, giải phóng mặt bằng tăng hơn nhiều so với phương án 1. Thoạt đầu, đại diện chính quyền huyện Bình Chánh đề nghị chọn phương án 1, song trước thực tế giao thông tại khu vực quá phức tạp và nhất là khi rà soát lại quốc lộ 1 đoạn qua TPHCM có lộ giới tới 120m huyện đã đề nghị sẽ cân nhắc lại.
Ông Trần Quang Phượng đề nghị: “Nên tính toán để không chỉ giải quyết cho các mục tiêu hiện tại mà ít nhất phải tính thêm việc phát triển ổn định cho hơn 10 năm tới. Tuy nhiên, hiện nay trong công tác giải phóng mặt bằng cần tính toán để ít ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân”. Ông Trần Quang Phượng cho biết thêm: Sở GTVT, Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng UBND huyện Bình Chánh sẽ xem xét để đề xuất UBND thành phố quy định lại lộ giới đoạn quốc lộ 1A vì nay đã có một số thay đổi trong bố trí giao thông (như có đường cao tốc TPHCM – Trung Lương và tuyến đường sắt quốc gia đi từ TPHCM về miền Tây trước đây được bố trí dọc hành lang của quốc lộ 1A nay đã được điều chỉnh chạy dọc theo hành lang đường cao tốc...).
Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, HĐND TPHCM đã đồng ý ghi vốn mở rộng quốc lộ 1. Như vậy, việc mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Bình Chánh có lẽ sẽ không còn xa.
Tín hiệu vui ở cửa ngõ Đông Bắc
Vui vì tại cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố,
cầu Sài Gòn 2 đã được khởi công xây dựng vào ngày 14-4-2012 vừa qua. Thêm nữa, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội cũng đang có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) mặc dù còn vướng giải tỏa nhưng hiện nay CII đã mở rộng xong trục đường chính từ cầu Sài Gòn đến nút giao thông Cát Lái và đã đưa vào sử dụng. Đoạn đường chính từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Tây Hòa, từ ngã tư Tây Hòa đến ngã tư Thủ Đức đã cơ bản xong…
Hiện nay ở cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố gần như chỉ còn khu vực gần Suối Tiên là giao thông khá phức tạp do quá tải. Ở đây chiều rộng mặt đường của xa lộ Hà Nội khá nhỏ song lại là nơi đón hàng chục ngàn khách/ngày cho Khu du lịch Suối Tiên, là nơi để hàng trăm xe khách liên tỉnh lưu thông qua mỗi ngày đón khách vãng lai… Giao thông tại khu vực ngã tư Thủ Đức không đến mức phức tạp nhưng sự quá tải đang gần đến mức khó chấp nhận được. Những chiếc xe tải lớn, xe container 20 - 40 feet, xe du lịch… thường xuyên chiếm hết mặt đường của các loại xe khác. Hiện Sở GTVT đã lập dự án xây dựng cầu vượt cho nút giao thông này nhưng chưa được bố trí vốn đầu tư.
Dự án xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 nằm ở cửa ngõ phía Bắc thành phố đang… tắc vì kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn, tới khoảng 7.500 tỷ đồng. Đây chính là điều chưa vui, điều trăn trở của thành phố. Cửa ngõ phía Bắc chưa quá tải trầm trọng như cửa ngõ phía Đông Bắc nhưng cũng là hướng giao thông quan trọng nối TPHCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước… nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Một cửa ngõ khác của thành phố, quốc lộ 50 đi về tỉnh Long An đang được Bộ GTVT cải tạo và mở rộng. Thế nhưng, giống như nhiều công trình giao thông khác ở TPHCM, vướng giải phóng mặt bằng vẫn là trở ngại chính trong việc triển khai thực hiện dự án.
Cửa ngõ còn lại, cửa ngõ phía Tây Bắc đi tới tỉnh Tây Ninh, hiện ổn. Quốc lộ 22 hay còn gọi là đường xuyên Á đi Tây Ninh khá thông thoáng. Chỉ có một chút ùn tắc gần khu vực nút giao thông An Sương vào giờ cao điểm. Sở GTVT đã có kế hoạch nghiên cứu và điều chỉnh giao thông ở đây cho tốt hơn
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: