Hiện có không ít doanh nghiệp FDI lớn đã và đang gặp khó tại thị trường địa ốc Việt Nam đã cho thấy một thực tế dù rất hấp dẫn nhưng không phải cứ "nhiều tiền là thắng"
Siêu dự án Alpha City tọa lạc tại số 87 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM của "ông lớn" Alpha King đã về tay một DN trong nước
Ông lớn "cũng buông"
Vào khoảng đầu năm 2018, thị trường bất động sản TP HCM đã đón nhận thông tin Alpha King sẽ đồng loạt phát triển ba dự án hạng sang ngay trung tâm Sài Gòn, bao gồm: The Centennial Saigon (số 2 Tôn Đức Thắng), Alpha Town (số 289 Trần Hưng Đạo) và Alpha City (số 87 Cống Quỳnh). Vào thời điểm này, Alpha City được rao bán lên đến 170-200 triệu đồng/m2, tùy diện tích.
Tuy nhiên, sau công bố ồn ào các hợp đồng với những đối tác xây lắp, vận hành lớn như Coteccons, CBRE… thì 3 siêu dự án này đều rơi vào im lặng. Vào cuối năm 2020, dự án The Centennial Saigon tại số 2 Tôn Đức Thắng đã được Masterise Homes tiếp quản và khởi động lại.
Từ câu chuyện của Alpha King có thể thấy, không phải cứ là doanh nghiệp nước ngoài với lượng vốn lớn, kinh nghiệm quốc tế dày dặn là có thể thành công tại Việt Nam. Có thể dễ dàng dẫn ra một số trường hợp cùng cảnh ngộ của một số doanh nghiệp FDI khác bước vào thị trường địa ốc Việt Nam.
Trường hợp của siêu dự án Khu chung cư quốc tế Booyoung do Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc) làm CĐT tại một trong những địa điểm “vàng” của quận Hà Đông (Hà Nội). Được khởi công từ tháng 2/2017 nhưng đến nay, phần lớn dự án này vẫn đang “sa lầy”, chưa triển khai dù đã nhiều lần được các cơ quan chức năng “điểm danh”.
Một cái tên khác không thể không nhắc tới là dự án từng là tòa nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam Hanoi Landmark Tower tại Hà Nội của chủ đầu tư Hàn Quốc đã từng rộ lên thông tin bị rao bán với giá với giá 770 triệu USD vào thời điểm giữa năm 2015.
“Nhập gia, tùy tục”
Sở hữu nền kinh tế đang phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh, Việt Nam đã và đang trở thành “miền đất hứa” với không ít nhà đầu tư bất động sản lớn của khu vực và cả thế giới. Không khó để có thể kể ra những cái tên như Phú Mỹ Hưng, Ciputra, VSIP… với loạt dự án cao cấp trải dài khắp cả nước.
Theo nhận định của giới chuyên gia, dù không có một con số cụ thể nào được chỉ ra về lợi nhuận mà các doanh nghiệp FDI đã thu được tại thị trường Việt Nam cho đến nay nhưng chỉ với những động thái liên tục phát triển dự án mới, gia tăng đội ngũ nhân sự cũng thể hiện rằng các doanh nghiệp FDI rất “hứng thú” với lĩnh vực bất động sản trong nước.
Tuy nhiên, có một thực tế là cũng như các doanh nghiệp trong nước thì lĩnh vực BĐS cũng không phải “bức tranh chỉ có màu hồng” với các doanh nghiệp FDI. Theo nhận định của các chuyên gia thì việc chuyển nhượng, rao bán dự án không có gì lạ, bởi trong nền kinh tế thị trường luôn đề cao yếu tố cạnh tranh, khi các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ thì phải nhường chỗ cho các doanh nghiệp khác có tiềm lực tài chính mạnh hơn.
Các NĐT nước ngoài cũng không thể “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào” mà theo như chia sẻ của một chuyên gia với Diễn đàn doanh nghiệp thì thị trường đặc thù, từ chính sách đến nhu cầu của thị trường, do đó các doanh nghiệp nước ngoài khó có thể “bê nguyên công thức thành công” sang mà phải tiếp cận có lộ trình theo kiểu “nhập gia, tùy tục”.
Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho rằng hiện nay nhà đầu tư đã tự tin hơn vào thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng bắt tay với các nhà phát triển để thực hiện dự án.
“Tuy vậy, vẫn còn những rào cản nhất định về vấn đề pháp lý dự án. Nhiều ngân hàng vẫn có nợ xấu được thế chấp bằng bất động sản nhưng khi xử lý lại gặp khó khăn về pháp lý. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy của vốn FDI vào Việt Nam”, bà Khanh nhận định.
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: