Theo lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, thị trường xuất hiện dấu hiệu cho thấy "sốt" đất đã hạ nhiệt. Cơ bản từ giờ đến cuối năm thị trường sẽ bình ổn hơn.
Khi không còn nhiều người đổ xô vào nữa thì giá đất sẽ không có cơ hội bị "thổi".
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, vừa qua với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành cùng chính quyền địa phương, thị trường đã có những dấu hiệu "hạ nhiệt".
Theo vị này, thị trường đã giảm hiện tượng tụ tập theo đám đông, đến rồi đua nhau mua bán "xôn xao". Giá đất cũng không bị đẩy lên khi chính quyền các địa phương có những biện pháp quyết liệt.
"Khi công khai thông tin quy hoạch, công khai rõ ràng thông tin dự án để cho thấy nhà đầu tư nắm rõ thì có thể đối chiếu với những gì môi giới đưa ra", vị này cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, kiểm soát tín dụng cũng là biện pháp hiệu quả. Khi không còn nhiều người đổ xô vào nữa thì giá đất sẽ không có cơ hội bị "thổi", giá cả sẽ sớm quay về giá trị thực.
"Tất nhiên vẫn sẽ có những khu vực tăng giá do quy hoạch, đúng bản chất thị trường. Còn nhìn chung cơ bản từ giờ đến cuối năm tôi cho rằng thị trường sẽ bình ổn hơn. Chính quyền các nơi sẽ có những biện pháp tốt hơn để kiểm soát vì những cơn sốt đất như thời gian qua ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế chung", lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh.
Trước đó, tại hội nghị kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành quý I/2021, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết thị trường vừa qua đã có những biến động cục bộ nhưng đã dần ổn định trở lại nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tham mưu và chính quyền các địa phương.
Còn tại họp báo thường kỳ quý I/2021 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 28/4, ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho hay: Liên quan đến tình hình sốt đất được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, Tổng cục Quản lý đất đai đã tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, trong đó yêu cầu các địa phương phải công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất. Sau khi các địa phương công khai thông tin, tình trạng sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
"Ở đây có bài học về công tác quản lý thị trường bất động sản. Do công tác này được triển khai chưa thấu đáo nên xuất hiện tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường. Chúng tôi tiếp thu bài học này để trong cơ chế chính sách cũng như tổ chức thực hiện phải có sự kiểm tra, giám sát tốt hơn", ông Phấn nhấn mạnh.
Hiện Tổng cục Quản lý đất đai đã tiếp nhận báo cáo của một số địa phương, Bộ TN&MT đang chờ các địa phương khác gửi báo cáo để tổng hợp phân tích các nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp.
Tại một số nơi xảy ra "sốt" đất vừa qua, chính quyền địa phương tiếp tục có những giải pháp để hạ nhiệt thị trường. Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP cũng vừa ký ban hành Quyết định số 06 về việc ban hành Quy chế phối hợp về việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.
Theo đó, chủ đầu tư các dự án bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế Thành phố Hà Nội, UBND cấp huyện cấp xã định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm cung cấp thông tin, dữ liệu bất động sản theo quy định.
Trước diễn biến của tình hình thị trường bất động sản, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh việc không được chủ quan, phải chủ động theo dõi, bám sát, nắm chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường bất động sản và kịp thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định và bền vững (có giải pháp về cân đối nguồn cung, minh bạch thông tin quy hoạch; tháo gỡ khó khăn về vốn, đất đai, thủ tục hành chính…).
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: