Top

Doanh nghiệp bất động sản: Loay hoay vượt khó

Cập nhật 22/05/2012 14:45


Thị trường bất động sản có khởi sắc hay không, quyết định là ở sản phẩm phù hợp khả năng tài chính của khách hàng. Trong ảnh: Một góc Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông. Images: Hải Linh
Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài từ năm 2011 đến nay, và dù Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách thắt chặt tín dụng cho lĩnh vực này, song các doanh nghiệp vẫn lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Thay đổi ý thức kinh doanh


Ông Nguyễn Văn Thành, một doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho hay, do thiếu vốn, nhiều dự án không thể hoàn thiện đúng tiến độ. Nhưng để trụ vững được, một hình thức liên kết mới mở ra, là hai đơn vị đổi sản phẩm cho nhau. Tức là doanh nghiệp BĐS bán căn hộ với giá thành xây dựng cho đơn vị cung ứng vật liệu xây dựng. Đơn vị này bán lại nhà cho cán bộ công nhân viên, với mức giá không thay đổi. "Cùng với đó, trong giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp phải giảm giá bán sản phẩm, giãn tiến độ dự án. Tập trung vào các dự án, phân khúc có tiềm năng. Dù thị trường hiện tại ảm đạm, chúng tôi vẫn chuẩn bị nguồn hàng cho một vài năm tới, lúc thị trường hồi phục trở lại" - ông Thành bày tỏ.

Ông Lê Đức Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc INT Group cho biết, trong thời điểm khó khăn, gia đình ông phải chuyển đến sống tại công trường, con cái chuyển từ trường quốc tế về trường làng. Bản thân ông là chủ doanh nghiệp xây dựng, phải trực tiếp có mặt tại công trường điều hành, trực tiếp gặp gỡ khách hàng, lắng nghe ý kiến đóng góp, tháo gỡ khó khăn về tài chính, bỏ qua rất nhiều khâu trung gian. "Trong 16 tháng trực tiếp điều hành, mới thấy trước đây để xảy ra thất thoát nhiều so với chi phí thực tế. Chi phí của doanh nghiệp hiện chỉ bằng 30% so với trước, trong khi công việc tăng lên gấp năm lần" - ông Hải chia sẻ.

Đánh giá về giai đoạn này, các chuyên gia nhận định, thời gian qua, các nhà đầu tư đua nhau hướng đến phân khúc cao cấp mà chưa mang hướng đầu tư vào phân khúc trung bình hoặc bình dân. Để thị trường BĐS phát triển bền vững, cần có nhiều cơ chế, chính sách và biện pháp hỗ trợ, song quan trọng nhất, các doanh nghiệp phải xem giai đoạn khó khăn hiện nay là cơ hội để cơ cấu lại hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Căn hộ nhỏ: Đáp ứng nhu cầu, vướng chính sách

Mới đây, chủ đầu tư dự án FPT City Đà Nẵng chào bán căn hộ thông minh 50m2, khách hàng có thể chia đôi căn hộ thành 25m2/căn, đã tạo "cú hích" trên thị trường.

Tán thành với việc chuyển đổi công năng này, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, việc xây dựng căn hộ nhỏ là hợp lý vì thực tế giá BĐS hiện nay quá cao, người có nhu cầu muốn mua nhà ở thực sự không đủ khả năng tài chính.

Tuy nhiên, về hướng đi cho loại căn hộ 25m2, khi trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng chưa bao giờ kiến nghị cho phép doanh nghiệp được xây dựng các căn hộ có diện tích 25m2 để bán. "Dư luận đã hiểu sai nội dung trên vì đó là đề nghị của Bộ Xây dựng khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị. Theo đó, chỉ có căn hộ cho thuê mới được phép xây dựng với diện tích 25m2 mà thôi" - ông Nam nhấn mạnh.

Vậy là, để đáp ứng nhu cầu, nhiều doanh nghiệp đang hướng đến phân khúc căn hộ nhỏ, phù hợp với túi tiền của người dân, nhưng theo quy định của Luật Nhà ở, diện tích tối thiểu đối với nhà thương mại hiện nay là 45m2, nhà ở xã hội phải trên 39m2. Các văn bản hướng dẫn nới tay hơn cho nhà ở xã hội khi quy định diện tích tối thiểu mỗi căn hộ 30m2.

Thời gian qua là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp nhưng qua đó, đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu. Doanh nghiệp không nên đầu tư quá nhiều dự án cùng một lúc, không nhắm vào các thị trường không đúng với nhu cầu thiết thực.

Ông Phan Thành Mai Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam



DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị