Top

Nhà đầu tư mạo hiểm sập bẫy

Cập nhật 22/05/2012 10:10


Chỉ cần mô tả hình dáng bên ngoài là có thể “sở hữu” căn biệt thự trị giá vài chục tỷ đồng. Ảnh: Đ.T
Có lẽ, chưa bao giờ, số vụ lừa đảo bất động sản lại xảy ra nhiều như hiện nay. Gần đây, tiếp tục nổi lên 2 vụ lừa đảo có giá trị lớn, song cách thức lừa lại trái ngược nhau, từ vô cùng tinh vi, điệu nghệ tới đơn giản không thể đơn giản hơn...

Từ thủ đoạn “siêu tinh vi”...


Trong vụ lừa đảo thứ nhất (là vụ lừa bán căn biệt thự số 36B, phố Trần Hưng Đạo, TP. Hà Nội), nổi bật lên trên hết là thủ đoạn tinh vi của bị án Đinh Thị Hải. Với cách dàn dựng nên một kịch bản lừa tinh vi, Hải đã bán nguyên cả một ngôi biệt thự thuộc sở hữu của… Nhà nước ở giữa trung tâm Hà Nội. Với cú lừa ngoạn mục đó, Hải đã chiếm đoạt được cả triệu USD.

Tại phiên tòa xét xử, tất cả những người chứng kiến đều không thể hình dung được người đàn bà nom chất phác, hiền lành như vậy, lại có thể là tác giả của một kịch bản lừa “siêu hạng” đến như thế.

Có thể tóm lược vụ lừa này như sau: Ngôi nhà số 36B, Trần Hưng Đạo trước đây thuộc quyền sử dụng của bác chồng Hải là bà Nguyễn Thị Hoa. Từ năm 1954, gia đình bà Hoa đã sang Pháp định cư, vì vậy, ngôi nhà này thuộc diện “vắng chủ”. Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội đã thu hồi nhà đất (rộng 1.262 m2) tại 36 B, Trần Hưng Đạo để cho các hộ dân thuê ở.

Sống ở Hà Nội, biết rõ hiện trạng ngôi nhà, nhưng Hải vẫn xin bà Hoa ủy quyền cho mình giải quyết mọi vấn đề liên quan đến thủ tục chuyển nhượng nhà số 36B, Trần Hưng Đạo. Rõ ràng, quyền sử dụng ngôi nhà đã được định đoạt bởi chính sách chung của Nhà nước, vì thế, ngay từ đầu, mục đích của việc “xin bà Hoa ủy quyền cho mình giải quyết mọi vấn đề liên quan đến thủ tục chuyển nhượng nhà số 36B, Trần Hưng Đạo” là để phục vụ cho mưu đồ lừa đảo sau này.

Hải đã tự soạn giấy ủy quyền, sau đó thuê dịch sang tiếng Pháp rồi chuyển cho bà Hoa. Từ nước Pháp xa xôi, không biết mục đích đen tối của cháu chồng, bà Hoa và con trai đã ký xác nhận, rồi gửi về Việt Nam cho Hải.

Sau khi có trong tay giấy ủy quyền từ Pháp của bà Hoa, Hải thuê Công ty cổ phần Trắc địa địa chính số 9 lập hồ sơ kỹ thuật và vẽ sơ đồ thửa đất số nhà 36B. Nhưng do Hải nhầm lẫn, nên Công ty này đã vẽ thửa đất ở số 36 A, Trần Hưng Đạo.

Với toàn bộ các giấy tờ này, Hải đã tìm người để bán ngôi nhà 36 B. Có lẽ, không ngoa khi nói rằng, tất cả những ai có tiền và có nhu cầu sử dụng một căn biệt thự trong khu phố sang như phố Trần Hưng Đạo, đều có thể dính bẫy.

Bởi lẽ, với bản đồ trắc địa do công ty trắc địa chuyên nghiệp lập nên, thứ hai, với những thông tin vỉa hè được truyền tai về việc hoàn trả những căn nhà thuộc diện nào đó. Mà đã là tin vỉa hè, lại được truyền tai, thêm vào, bớt ra, hoặc có thể biến điều không thể thành có thể là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Cùng với đó, bản chứng thực mang... yếu tố quốc tế, đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm... sập bẫy!

Vậy là, sau khi vớ được các nhà đầu tư mạo hiểm, Hải đã ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà này với giá 13.200.000 USD. Sau đó, các nạn nhân đã chuyển cho Hải số tiền 400 triệu đồng và 1.002.613 USD.

Căn biệt thực đẹp như mơ đó, mãi mãi là của Nhà nước và tất nhiên các hộ dân được Nhà nước cho thuê vẫn tiếp tục an cư. Chỉ có số tiền gần 17 tỷ đồng (do Hải đã hoàn trả được 5 tỷ đồng) của các nhà đầu tư mạo hiểm thì mãi không quay trở lại và giới buôn bán nhà đất lại biết thêm một kịch bản lừa đảo hoàn hảo.

... đến không thể đơn giản hơn

Vụ của tay lừa Nguyễn Hồng Minh thì khác hẳn.

Vốn là một chủ doanh nghiệp làm ăn bết bát, Minh thường la cà ra bến xe Hà Đông để mua các phiếu thu tiền (giả). Trong cơn bí tiền, Minh đề nghị một thanh niên nọ làm giả cho một bộ hồ sơ nhà đất. Đã làm giả, thì phải làm cho bõ lớn để lừa cho... hoành tráng! Minh dẫn người thanh niên nọ sang Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội) và chỉ vào căn biệt thự đang xây thô 3,5 tầng trên diện tích 245 m2 tại số 1, lô B – BT.07. Sau một tuần, với chi phí (do Minh khai) là 185 triệu đồng, Nguyễn Hồng Minh đã có trong tay... căn biệt thự! Y như thật, có lẽ còn hơn cả thật, Minh có trong tay Hợp đồng số 18/HUD-KD về chuyển nhượng quyền sở hữu và quyền sử dụng đất tại ô đất số 01, lô B – BT.07; phiếu thu số 08 ngày 20/7/2008 và số 16 ngày 18/3/2009 để đặt tiền mua căn biệt thự; biên bản nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình xây dựng số 5 (ngày 5/10/2009).

Sau khi đã chính thức “sở hữu” căn biệt thự nọ, Minh đặt ra mục tiêu khá khiêm tốn: đem ra hiệu cầm đồ để đặt giấy tờ lấy một khoản tiền nho nhỏ. “Khiêm tốn” là vậy, nhưng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà ông chủ hiệu cầm đồ đã cùng một người bạn tiến hành mua đứt căn biệt thự và tổng cộng các lần chuyển tiền, số “vốn đầu tư” ban đầu của Minh đã biến thành số tiền trên 5 tỷ đồng.

Cùng với thủ đoạn trên, Minh đã lừa thêm vài vụ khác và tổng cộng, Nguyễn Hồng Minh đã kiếm được món tiền trị giá tới trên 15 tỷ đồng.

Thử đi tìm nguyên nhân

Trong vụ lừa của Nguyễn Hồng Minh, sau khi hoàn tất các thỏa thuận, hai bên đã tiến hành công chứng việc chuyển quyền sở hữu. Có lẽ, lại cần phải thấy rằng, sự chắc chắn của nạn nhân khi đem ra công chứng ở đây đã chứng tỏ một điều, họ hoàn toàn không hiểu biết pháp luật, mà ở đây là bản chất của hoạt động công chứng. Sự không hiểu biết của các nạn nhân ở đây chính là ở chỗ, bản chất của hoạt động công chứng là chứng nhận sự hợp pháp cho vụ mua bán, chứ tuyệt đối không phải là xác nhận tính hợp pháp về sở hữu của tài sản được thực hiện trong cuộc mua bán đó.

Cần phải biết rằng, Luật Công chứng đã quy định rất rõ về vấn đề này và có lẽ cũng cần phải biết thêm rằng, trách nhiệm của công chứng viên chỉ là “giải thích quyền lợi, nghĩa vụ của người tham gia công chứng”, còn việc xác nhận tính hợp pháp của giấy tờ, đã có quy định rất rõ tại Điều 8, Luật Công chứng: “Người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự, xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó”.

Và thế là, lại thêm hai nhà đầu tư mạo hiểm đã tự mình chịu trách nhiệm về sự hợp pháp của bộ giấy tờ giả đó và tất nhiên... bị “sập bẫy”!

Ngoài lý do không am hiểu, hoặc hiểu một cách mơ hồ, thì còn do tham, nên chấp nhận rủi ro , thậm chí, mặc dù cũng có thể mơ hồ biết được nguồn gốc, nhưng vì lợi ích của bản thân mình mà chuyển thiệt hại cho người khác bằng cách tiếp tục bán sang tay.

Cuối cùng, lý do lớn nhất để tạo nên những vụ lừa đảo bất động sản là tập quán mua bán theo cách thức rất tùy tiện hiện nay. Đó là giấy viết tay và ai cũng tin rằng, dù có thiếu một vài loại giấy tờ gì đó, khả năng “chạy” được là... rất khả quan!

Vậy là, với ngần ấy lý do và đôi khi cả sự cả tin đến mức khó ngờ, người mua phải lãnh đủ thiệt hại. Từ những vụ việc trên, nhiều người đã nhận được một bài học đắt giá về sự cẩn trọng trong các giao dịch trên thị trường bất động sản, chỉ có điều rất có thể, họ sẽ chẳng còn cơ hội để rút kinh nghiệm nữa.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư