Top

Đô thị phình to, lo khó quản lý xã hội

Cập nhật 05/09/2018 09:29

Tốc độ đô thị hóa nhanh, kèm theo sự gia tăng liên tục về dân cư tại TP HCM đang khiến đô thị lớn nhất nước phải đau đầu bởi đô thị “mặc áo quá chật”, cùng những vấn đề về quản lý xã hội mà thành phố này phải đối diện trong 5 đến 10 năm tới.

Dân số của riêng Phường Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân đã vượt quy mô dân số của một quận tại TP HCM.

Bức bối trong “chiếc áo chật”

Khảo sát về tốc độ đô thị hóa của TP HCM đã cho ra những con số rất đáng lưu tâm. Một trong số đó là xuất hiện ngày càng nhiều các khu vực có tốc độ phát triển hạ tầng vào ngưỡng cao nhất nước, cùng sức ép về dân số.

UBND huyện Bình Chánh từng nhiều lần đề xuất các phương án quản lý đối với khu đô thị (KĐT) mới Trung Sơn, nằm liền kề với KĐT kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng (Q.7). Dù Trung Sơn đã phát triển KĐT từ rất lâu, nhưng cơ chế chính quyền, hệ thống hành chính của KĐT hiện còn ở cấp ấp (ấp 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh).

Tương tự như vậy, một số phường của các quận trung tâm TP HCM đã vượt quy mô dân số của một quận, thế nhưng cơ chế phân cấp quản lý chính quyền vẫn chưa thay đổi, tạo nhiều sức ép về quản lý xã hội. Chẳng hạn, phường Bình Hưng Hoà A, Q.Bình Tân vào năm 2009 mới có quy mô dân số 80.858 người với mật độ 17.388 người/km², nhưng sau chưa đến chục năm, dân số của phường này đã vượt ngưỡng 115.000 dân.

Một số quận ở TP HCM, như Q.4, có diện tích nhỏ hơn quy mô của phường Bình Hưng Hoà A và dân số khoảng 200.000 người, nhưng cũng vẫn phải duy trì bộ máy đầy đủ của cấp quận, với 15 phường. Trong khi đó, UBND xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cũng nhiều lần bày tỏ áp lực quản lý dân cư – xã hội ngày càng lớn đối với một đơn vị hành chính cấp xã. Hiện Phước Kiển có diện tích trên 1.500 ha, nhưng quy mô dân số đã lên đến 24.000 người.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, TP HCM luôn duy trì vai trò đầu tàu, với nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, tốc độ phát triển kinh tế luôn ở mức tăng trưởng cao (dự báo năm 2018 sẽ đạt 8,35%), mức sống của người dân được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người 5.880 USD (2017).

Thế nhưng, theo chuyên gia này thì lượng người dân các tỉnh về TP HCM đang tăng cao cùng với hội nhập kinh tế quốc tế và cơ chế chính sách quản lý đối với một đô thị lớn còn nhiều bất cập đã và đang tạo ra bài toán khó cho công tác quản lý đô thị, xã hội của thành phố.

Sức ép không thể xem nhẹ

Theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, do đô thị TP HCM đang “phình to” khiến những vấn đề của xã hội, bao gồm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dạy nghề, nhu cầu về thụ hưởng văn hóa - nghệ thuật… đang chung tình trạng quá tải, gây áp lực lên xã hội. TPHCM cũng luôn phải đối diện với nạn trộm cắp và cướp giật đường phố, gần đây còn xuất hiện cả những trọng án hình sự nguy hiểm, gây tâm lý lo lắng, bất an trong dư luận xã hội.

Ông Trần Văn Toàn, chuyên gia trong lĩnh vực xã hội học tại TP HCM, cho rằng, sức ép hiện này về quản lý xã hội của thành phố đầu tàu cả nước là không thể xem nhẹ bởi nhiều lý do. Một trong số đó, rất quan trọng, sẽ có tác động mạnh đến vai trò đầu tàu kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục của cả nước của TP HCM. Do đó, nếu kinh tế TP HCM chịu ảnh hưởng, cũng sẽ tác động đến nhịp độ tăng trưởng kinh tế của cả nước trong nhiều năm tới.

Về vấn đề quản lý xã hội trước áp lực đô thị hóa của TP HCM, PGS.TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng, muốn quản lý xã hội theo hướng phát triển bền vững thì trước hết TP HCM cần có sự lãnh đạo của cấp ủy cùng các chủ trương, chính sách đúng đắn. Thứ hai là phải thường xuyên theo dõi sự biến đổi của cơ cấu xã hội qua đó kịp thời nắm bắt nhu cầu nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Cuối cùng là cần tạo sự đồng thuận và giữ gìn lòng tin của người dân, tăng cường các biện pháp vận động, giáo dục, thuyết phục và đối thoại.

Đối với hướng giải pháp về vấn đề trên, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND TP HCM) cho rằng, để giải quyết vấn đề quản lý xã hội hướng đến phát triển đô thị bền vững thì tới đây các sở ban ngành và chính quyền TP HCM sẽ còn nhiều việc phải làm, trong đó cần thiết phải có sự liên kết từ các cấp lãnh đạo, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân thành phố.

Ông Trần Quốc Thái, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng): Không riêng TP HCM, mà Hà Nội và các đô thị của Việt Nam hiện tồn tại nhiều bất cập, chưa tương xứng với nhu cầu của sự phát triển và vẫn còn tồn tại không ít bất cập. Chẳng hạn, hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị nhìn chung còn rất mỏng, phân tán, chưa số hóa trong khi tốc độ đô thị hóa diễn quá nhanh gây các hạn chế, khó khăn trong công tác quy hoạch đô thị cũng như quản lý phát triển đô thị. Đó là chưa kể, khi chất lượng đô thị yếu, kém còn kéo theo các nguy cơ cao về tốn kém ngân sách nhà nước, các thách thức về tạo không gian cho tăng trưởng.
 

DiaOcOnline.vn - theo Daidoanket.vn