Cuộc họp bàn về quỹ bảo trì chung cư được Sở Xây dựng TPHCM chủ trì tổ chức vừa qua. Ảnh: H.H
|
Các ý kiến tại hội nghị đối thoại với các DN về chủ đề trên do Sở Xây dựng TPHCM vừa tổ chức cho thấy, “cuộc chiến” tranh giành quỹ chung cư giữa các ban quản trị chung cư, với chủ đầu tư vẫn chưa hạ nhiệt, dù vụ việc bung bét đã 3 năm qua.
“Cuộc chiến” ngày một “nóng”
Ngay tại hội nghị, số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy đã có 43 tỉnh - thành trên cả nước, với 108 dự án đã có báo cáo, khiếu nại về tranh chấp quỹ bảo trì chung cư (2% tổng vốn xây dựng chung cư), chứ không riêng gì TPHCM. Đặc biệt, trong số các dự án trên, có đến 39 dự án mà chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao hoặc chỉ bàn giao một phần kinh phí bảo trì cho ban quản trị theo quy định của pháp luật hiện hành. Tại nhiều chung cư, chủ đầu tư không chịu nộp kinh phí bảo trì đối với phần diện tích thuộc sở hữu riêng hoặc chiếm dụng kinh phí bảo trì vào mục đích khác. Tại chung cư Khang Gia Tân Hương, từ năm 2014 đến nay, hàng chục tỉ đồng vẫn bị chủ đầu tư chiếm dụng. Tại chung cư Phú Thạnh, tình trạng tranh chấp cũng “nóng” không kém, khi tiền quỹ hơn 23 tỉ đồng vẫn đang được chủ đầu tư găm giữ.
Ông Ngô Triều Vân - Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Đại Thành, chủ đầu tư chung cư Hiệp Tân, quận Tân Phú, TPHCM - nói: “Vừa qua, mới bàn giao một số tài sản chung cư cho họ quản lý, vận hành. Lập tức, 3 máy bơm PCCC bể cánh quạt, bể bạc đạn. Họ báo giá bảo trì thay phụ tùng hết 208 triệu đồng. Trong khi chúng tôi mua nguyên máy mới chỉ 53 triệu đồng thôi. Rất nhiều rủi ro, lắm an nguy cho hàng nghìn cư dân, nếu giao hết quỹ và phó thác cho họ vận hành các thiết bị chung cư". Trong lúc đó, ông Đinh Duy Trinh - Chủ tịch HĐQT Cty VNG Real - cho rằng: “Có chung cư, lúc mua căn hộ chỉ giá dưới 1 tỉ đồng. Trong khi số tiền quỹ bảo trì chung cư 2% lên tới vài chục tỉ đồng. Ban quản trị 2 người, chỉ cần thông đồng với nhau rút ruột, ôm hàng chục tỉ đồng bỏ trốn, thì ai chịu trách nhiệm đây? Vì giá trị căn hộ của họ rất nhỏ không đủ bồi thường”.
Ông Ngô Triều Vân nói thêm: “Chưa có một quy định hướng dẫn cụ thể nào về kiểm soát, chế tài đối với việc quản lý quỹ. Cũng như chưa có một tiêu chí nào quy định chọn các cá nhân vào Ban quản trị chung cư. Tài sản máy móc bảo đảm vận hành chung cư, Ban quản trị chưa từng biết sử dụng, nếu xảy ra sự cố là thảm hoạ cho tính mạng hàng nghìn cư dân”.
Đi tìm một giải pháp
Bà Nguyễn Thị Tùng - đại diện Cty TNHH Thành Trường Lộc - đề nghị: “Không nên giao quỹ bảo trì chung cư về cho Ban quản trị, mà nên để chủ đầu tư nắm giữ. Bởi chủ đầu tư dù sao cũng là "người có tóc”, có tài sản lớn ở chung cư là các tầng hầm giữ xe ô tô, trung tâm thương mại. Ngoài ra, chủ đầu tư còn có tay nghề trong việc sửa chữa, bảo trì, vận hành nhà chung cư”.
Có ý kiến cho rằng, nhà nước nên thành lập một tổng công ty hay một DN để quản lý các Ban quản trị chung cư trên cả nước. Cần phải “chuyên nghiệp hoá” công việc này thì chủ đầu tư và cư dân mới yên tâm. Ông Nguyễn Văn Đồi - Tổng Giám đốc SSG Group, chủ đầu tư dự án Thảo Điền Pearl - cho biết: “Chỉ con dấu cho Ban quản trị cũng chưa có, trong khi phí bảo trì 2% lên đến 50 tỉ đồng, làm sao chúng tôi dám liều lĩnh giao số tiền lớn như vậy?”. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM, hiện Bộ Xây dựng đang hoàn thiện đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực bất động sản”. Đề án sẽ được trình Chính phủ trong tháng 12.2018, khi đó mọi mâu thuẫn trong “cuộc chiến” quỹ bảo trì giữa chủ đầu tư và ban quản trị chung cư mới kỳ vọng được giải quyết.
DiaOcOnline.vn - theo Báo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: