Top

Đìu hiu các khu kinh tế cửa khẩu

Cập nhật 16/06/2009 14:05

Dù quy hoạch xây dựng từ nhiều năm nay nhưng do nguồn vốn hạn hẹp và chưa thu hút được đầu tư nên nhiều khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) khu vực Tây Nam giờ đây vẫn phát triển ì ạch, rơi vào cảnh hoang vắng.

Một trong những mục tiêu của việc xây dựng khu KTCK là nhằm đẩy mạnh giao thương với các nước lân cận và được xem là hướng đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh.

Chưa thấy hình dạng

Tại cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Đồng Tháp) nằm giáp ranh Campuchia, ngoài chòm nhà tái định cư lụp xụp, các khu quy hoạch làm khu bảo thuế, chợ biên giới, khu thương mại... hiện vẫn là những bãi đất trống. Ngôi chợ đường biên đi vào hoạt động từ tháng 1-2004 đến nay chỉ có ít hàng quán lèo tèo, mấy kiôt xung quanh phần lớn làm nơi ở hoặc đóng cửa im ỉm.

Thật ra từ năm 2000, tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành giải tỏa, san lấp mặt bằng 13ha và xây dựng chợ đường biên ở khu cửa khẩu quốc tế Dinh Bà. Sau đó cấp kinh phí 13 tỉ đồng đền bù, mở rộng hai khu dân cư tổng diện tích 26ha. Đến năm 2006 Ban kinh tế cửa khẩu Dinh Bà chính thức thành lập đã tiếp tục cho đầu tư thêm cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên tới nay “hình dạng” của một khu cửa khẩu quốc tế vẫn chưa thấy gì.

Tương tự, tại khu KTCK Vĩnh Xương (An Giang) mặc dù được quy hoạch xây dựng từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn là bãi cát mênh mông, đoạn đường nối tỉnh lộ lên cửa khẩu tráng nhựa xong giờ đây làm nơi phơi lúa, tập kết hàng lậu từ bên kia biên giới về. Còn cửa khẩu quốc tế Thường Phước (Đồng Tháp) đã đi vào hoạt động từ năm 2001 nhưng các khu hành chính, khu bảo thuế, khu thương mại dịch vụ... vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng.

Do thiếu vốn

Hằng năm ngân sách T.Ư bố trí vốn để đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại các khu KTCK. Thế nhưng theo các tỉnh, nguồn vốn phân bổ này chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu. Ông Nguyễn Vạn Lý, trưởng Ban KTCK Đồng Tháp, cho biết mấy năm trước việc đầu tư phát triển cửa khẩu chủ yếu được tỉnh “tận dụng” từ các chương trình như cụm tuyến dân cư, phát triển kinh tế quốc phòng.

Tới nay vốn đầu tư cho khu KTCK Dinh Bà và Thường Phước là 150 tỉ đồng, trong khi chi phí bồi hoàn, tái định cư ở Thường Phước đã ngốn hết gần 50 tỉ đồng. “Nhu cầu về vốn rất lớn, cần tới cả ngàn tỉ đồng. Ngân sách T.Ư cấp nhỏ giọt, ngân sách tỉnh eo hẹp nên tiến độ xây dựng các khu chức năng chậm” - ông Lý phân trần. Tương tự, có tới ba khu KTCK nhưng mỗi năm An Giang chỉ nhận được 8-12 tỉ đồng. “Năm 2009 cũng chỉ 15 tỉ đồng, chẳng thấm thía vào đâu nên việc triển khai đầu tư khá ì ạch” - ông Lê Hữu Trang, phó Ban KTCK tỉnh, nói.

Theo quy chế phát triển các khu KTCK, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách, Chính phủ giao cho các địa phương ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng. Và việc thu hút đầu tư cho các khu KTCK chủ yếu trông cậy vào chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng..., đặc biệt là chính sách cho khách tham quan du lịch khi mua hàng hóa nhập khẩu trong khu thương mại ở cửa khẩu được miễn thuế (không quá 500.000 đồng/người/ngày). Thực tế từ khi có cơ chế này, nhiều doanh nghiệp lần lượt xin mở siêu thị miễn thuế, kèm theo đăng ký đầu tư xây dựng cảng sông, kho ngoại quan...

Thế nhưng, đầu năm 2009 chính sách miễn thuế bị Bộ Tài chính bãi bỏ. Không còn chính sách miễn thuế nên nhiều dự án đăng ký của doanh nghiệp đều ngưng lại. Các khu KTCK tiếp tục rơi vào cảnh im ắng!

Kiến nghị thực hiện lại việc miễn thuế

Các tỉnh đang kiến nghị Chính phủ cho thực hiện lại việc miễn thuế mua hàng nhập khẩu. Các tỉnh cho rằng các khu KTCK nằm ở biên giới, kinh tế - xã hội khó khăn nên khó thu hút đầu tư. Vì vậy, chỉ có chính sách miễn thuế mới khuyến khích doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các khu thương mại, cơ sở hạ tầng...


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ