Top

Điều gì đang cản trở người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam?

Cập nhật 27/03/2017 15:45

Giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam cho rằng, những vấn đề phía sau các bản hợp đồng chuyển nhượng, cho thuê bất động sản tại Việt Nam có thể khiến khách hàng nước ngoài phải nản lòng.

Ông Greg Ohan Giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam.

Ông Greg Ohan Giám đốc Công ty TNHH Jones Lang Lasalle Việt Nam (JLL Việt Nam) vừa cảnh báo những khó khăn khi sở hữu nhà ở tại Việt Nam của Việt kiều, người nước ngoài. Theo ông Greg Ohan, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là một điều không dễ và bộ luật không quá "mới" đang được áp dụng là một bước đi rất tiến bộ và cực kỳ được đón nhận.

“Tuy nhiên, khi nói đến việc “kiếm lời”, chuyển nhượng và cho thuê ngôi nhà mới của bạn, có một vài điều mà sẽ không có ai chia sẻ với bạn”, ông Greg Ohan nói.

Cụ thể, đã qua gần 20 tháng kể từ khi Luật Nhà ở chính thức cho phép người nước ngoài đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên điều luật này vẫn còn thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết và những thủ tục hành chính liên quan khác. Do đó việc thực hiện điều luật này phần nào còn hạn chế cũng như chưa xác định rõ quy trình thực thi.

Đối với hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và hơn 4 triệu người Việt Kiều có liên hệ mật thiết với gia đình ở quê hương, họ thường dự báo và quản lý được những điều khiến họ khó chịu và thất vọng. Tuy nhiên, nếu là một nhà đầu tư nước ngoài không sống ở Việt Nam - hãy chuẩn bị tâm lý.

Chuyển nhượng

Theo ông Greg Ohan, nếu may mắn trong chiến lược bán nhà và nhanh chóng tìm được người mua để chuyển nhượng lại căn hộ của bạn, xin chúc mừng. Mặc dù sau đó, bạn sẽ phải làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được công chứng và dịch tại cơ quan đăng kí ở nước sở tại và một lần nữa phải được công chứng và dịch ra tiếng Việt tại phòng công chứng địa phương – việc này tốn khá nhiều thời gian và phải trả một khoản chi phí.

Sau đó, bạn cần phải chuẩn bị 'hợp đồng đặt cọc' và 'hợp đồng mua bán' mà chắc chắn cả hai bản phải được công chứng và kí kết bởi tất cả các bên bao gồm cả chủ đầu tư đã bán tài sản đó cho bạn. Sẽ không có bản hợp đồng chuẩn nào cả nên bạn phải tự chuẩn bị cho mình hoặc tìm đến sự giúp đỡ của nhà tư vấn.

Tiếp theo, hợp đồng phải được dịch, được ký tên và có sự làm chứng bằng tiếng Việt bởi một công chứng viên. Khi giao dịch hoàn tất, bạn sẽ phải đóng thuế trên giá trị tài sản. Thực tế, bạn sẽ không thể hồi khoản tiền đầu tư về nước nếu nghĩa vụ đóng thuế chưa được hoàn thành.

Cuối cùng, đến thời điểm tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng của bạn, lưu ý rằng cách duy nhất để hồi khoản tiền đầu tư về nước qua các ngân hàng quốc tế mà bảo đảm việc tuân thủ luật pháp Việt Nam là cung cấp tất cả tài liệu kể trên bao gồm hóa đơn đỏ như là chứng từ thanh toán từ bộ phận thuế. Chỉ sau khi hoàn tất việc đó ngân hàng mới cho phép bạn nhận được tiền. Và, bạn cũng cần phải thanh toán phí cho chủ đầu tư để hoàn tất việc chuyển nhượng.

Cho thuê

Với nhiều dự án lớn sẽ hoàn thành tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội vào cuối năm 2017, nếu bạn là một nhà đầu tư thì đã đến lúc tìm kiếm khách hàng. Trong khi tiền thuê được thanh toán hàng tháng, bạn hãy nhớ những quy luật trên (chủ yếu liên quan đến ngân hàng) về thuế, hồi tiền đầu tư về nước và hóa đơn sẽ được áp dụng. Trừ khi bạn sẵn sàng đến cơ quan thuế vào mỗi tháng, bạn có thể thương lượng để nhận tiền thuê hàng quý, hàng tháng hoặc một khoảng thời gian tiện hơn. Hãy chắc chắn rằng bạn có kế hoạch cho điều này.

"Dù thị trường rất hứa hẹn vào năm 2017, nhưng nếu bạn mua một căn nhà và đang cân nhắc bán hoặc cho thuê nó, cần đảm bảo rằng có một nhà tư vấnsẵn sàng giúp bạn một tay - nếu không thì 'nó khá phức tạp' đấy", Giám đốc JLL Việt Nam nhấn mạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư