Top

Điên đầu với số nhà 'siêu xuyệt'

Cập nhật 13/05/2016 14:53

Nhiều khu vực ở Bình Tân, Nhà Bè… (TP.HCM) có số nhà quá nhiều xuyệt mà đôi khi cả chủ nhà cũng không nhớ nổi.

“Tôi từng lái xe cho lãnh đạo đi nhiều nơi mà chưa từng gặp những số nhà dài đến mắc cười như ở đây. Đi làm hồ sơ thủ tục nhưng số nhà của mình thì không nhớ, còn người nghe đọc số là trợn mắt ngạc nhiên” - ông Nguyễn Văn Tư ở số 1086/127/2/6/15/41 khu phố 6, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP.HCM nói với PV.

Chấp cả thế giới, không chỗ nào bằng

Số nhà của ông Tư như đã nêu chưa phải là số dài nhất. Trong hẻm 1806 đường Huỳnh Tấn Phát có hàng chục căn nhà “đeo” dãy số nhà dài dằng dặc đến mức chủ nhà cũng không thể nhớ nổi. Điều này gây không ít phiền toái cho người dân.

Theo hướng dẫn, PV tìm đến số nhà 1806/127/2/6/15/48/2A khu phố 6, thị trấn Nhà Bè. Khi đi, chúng tôi phải ghi vào sổ tay cẩn thận và hỏi dò đường từ đầu hẻm 1806. Gặp một người chạy xe ôm nhiều năm ở đầu hẻm, chúng tôi được mách: “Chỉ có cách đi vào hẻm 1806 rồi vừa tìm vừa hỏi”.

Theo lời, chúng tôi chạy vào hẻm 1806 nhưng đi đến cuối đường vẫn không tìm thấy hẻm 127. Sau một hồi lòng vòng mới thấy hẻm số 125 và chạy dọc hẻm này qua nhiều ngã rẽ chúng tôi mới tìm được căn nhà 1806/127/2/6/15/48/2A.

Theo người dân, đây là khu vực mới hình thành. Ông Nguyễn Thanh Sơn cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Trang (nhà số 1806/127/2/6/15/48B) cho rằng cả trăm hộ gia đình ở xuyệt 127 đều phải chấp nhận số nhà dài hơn số chứng minh nhân dân. “Chúng tôi đến mua nhà và đi làm giấy tờ thì mới biết số nhà dài ngoằng như vậy. Số nhà dài lê thê không thể nào nhớ nổi đâm ra nhiều bất tiện. Tôi đi đâu có liên quan đến giấy tờ thì phải ghi số nhà vào giấy, chứ không thì quên” - bà Trang nói.

Bà Châu Mỹ Hồng bức xúc về số nhà dài dằng dặc như trên. Ảnh: LÊ THOA

Bị nạt vì đọc số nhà

Theo ông Sơn, nếu hướng dẫn cho người thân, thậm chí là người chở gas, xe ôm, taxi… thì tốt nhất là nói khu nhà mới. “Nếu đọc địa chỉ người ta sẽ không tin. Nhiều lần tôi đọc xong, người nghe bực mình nạt lại. Những người tin là thật thì chạy vô kiếm đỏ mắt vẫn không ra. Như mấy người chở gas, chở nước… rất rành đường nhưng tìm cũng khó khăn” - ông Sơn cho biết thêm.

Theo quan sát, khu nhà trong hẻm 127/2/6/15/48 mới được xây dựng khá đẹp, rộng khoảng 6 m, xe hơi có thể ra vào. Tuy nhiên, vì số nhà quá dài nên có người bán nhà đi nơi khác. “Ở đây có nhiều người già, vợ chồng già ở với nhau đêm hôm trái gió trở trời gọi được xe cấp cứu đã khó, đọc cái địa chỉ cho xong cũng trần ai, chờ xe cấp cứu tìm ra được chắc tiêu mất. Hôm trước có vợ chồng ông hưu trí hàng xóm bán nhà chuyển đi nơi khác cũng vì lý do này. Ông ấy nói ở đây số nhà mắc cười, con cháu đến thăm không được, rồi lỡ có ngày gọi cấp cứu không được nên chuyển đi” - ông Nguyễn Văn Tư kể.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo mới chuyển đến sống tại khu phố 6 cho biết chưa thấy số nhà nào dài như vậy. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết gặp rất nhiều phiền toái vì số nhà quá cỡ. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Cán bộ cũng ngạc nhiên sao số nhà dài thế!

Được biết số nhà dài dằng dặc nêu trên không phải là cá biệt của thị trấn Nhà Bè. Ở một số khu vực của quận Bình Tân cũng có tình trạng này. Theo đó, PV nhận được thông tin trên đường Bùi Tư Toàn (phường An Lạc, quận Bình Tân) có nhiều số nhà có nhiều xuyệt như số 36/45/32/49/13/22.

Chúng tôi đi từ đường Kinh Dương Vương rẽ vào đường Bùi Tư Toàn, tìm đến hẻm 36. Chúng tôi lần lượt đi qua các “hẻm con” thì mới đến được địa chỉ 36/45/32/49. Tại đây, chúng tôi lại phải tiếp tục hỏi nhiều người và được hướng dẫn đi qua gần 20 căn nhà đến địa chỉ 36/45/32/97 thì quẹo trái đi thêm một đoạn. Cuối cùng cũng tìm được số nhà 36/45/32/97/32, nơi có con hẻm nhiều xuyệt nhất ở khu vực.

Bà Châu Mỹ Hồng cho biết bà được cấp số nhà 36/45/32/49/13/22 vào năm 2006. “Khi nhận tôi sững sờ. Mấy lần đến phường, quận làm giấy tờ, chính các cán bộ ở đó cũng ngạc nhiên sao số nhà dài dằng dặc thế” - bà Hồng nói.

Theo bà Hồng, cái số nhà này gây nhiều khó khăn, đặc biệt các giao dịch đưa đến địa chỉ này đều rất khó khăn. “Tôi bán tạp hóa ở đây nhiều năm nay, mỗi lần đi lấy hàng đều phải tự chở về vì thuê người chở họ không tìm được nhà. Khi mua vật tư, tôi phải vẽ sơ đồ cho họ vào. Người quen, khách khứa tìm đến thì phải hẹn ở ngoài rồi điện thoại để ra rước vào. Taxi thì chịu thua, gọi mãi không một xe nào chịu tới. Mấy năm trước, người thân ở nước ngoài gửi thư với mấy loại giấy tờ về đều thất lạc” - bà Hồng ngán ngẩm.

Nhiều hẻm đâm ra nhà nhiều xuyệt

Việc đánh số nhà như vậy là theo hướng dẫn của Sở Xây dựng. Khu vực này có nhiều hẻm nên số nhà nhiều xuyệt, thậm chí có bốn, năm xuyệt như trên.

Trên thực tế, trong quá trình làm đề xuất về cấp số nhà, phường cũng nhận thấy có nhiều bất cập và hiểu những khó khăn của người dân. Thời gian qua, phường đã kiến nghị lên UBND quận để tìm cách giải quyết khó khăn, vướng mắc cho người dân. Tuy nhiên, việc thay đổi số nhà có thể dẫn đến nhiều xáo trộn trong cuộc sống khi các giấy tờ liên quan đã lấy địa chỉ như lâu nay, cho nên phải được hướng dẫn của Sở Xây dựng và các cơ quan cấp trên.

Ông MAI THANH SANG, Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc, quận Bình Tân

Số nhà nhiều xuyệt tương đối nhiều, đa phần tập trung ở khu phố 5, khu phố 6, còn các nơi khác chỉ 2-3 xuyệt. Trong số này, nhà dài nhất có số lên đến sáu xuyệt.

Nguyên do trước đây các khu dân cư này phát triển tự phát, trên không gian kéo dài chia nhiều nhánh. Theo quy trình, sau khi xem xét, căn cứ bản đồ quy hoạch, UBND thị trấn đã lập hồ sơ trình lên UBND huyện xem xét và ra quyết định cấp số nhà. Số nhà có dài nhưng được cấp theo quy tắc hẻm. Cụ thể, hẻm cấp 1 thì một xuyệt, cấp 2 thì hai xuyệt… cứ vậy tăng lên nhiều hẻm, nhiều nhánh thì số xuyệt tăng lên.

Ông TRẦN NGỌC ANH QUÂN, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP