Ít tiền, nhưng muốn giữ tiền bằng bất động sản. Đó là trăn trở của không ít người vốn lâu nay vẫn tham gia vào thị trường vàng, đôla và chứng khoán. Nay những thị trường này không còn đủ hấp dẫn nên muốn chuyển dịch sang đầu tư BĐS.
Tuy nhiên do hạn chế lượng vốn ít, nên phần lớn các nhà đầu tư nhắm vào thị trường nhà đất giá rẻ, xa trung tâm và thậm chí là tính pháp lý chưa đầy đủ với hy vọng giá rẻ thì khả năng tăng giá sẽ cao hơn. Tuy nhiên giá rẻ luôn đi kèm với hạ tầng thiếu vắng, vì vậy nếu đầu tư theo phong trào mà không có sự phân tích kỹ lưỡng, rất có thể nhà đầu tư sẽ rơi vào tình trạng mắc kẹt vì khó thanh khoản.
Có trên 1 tỷ đồng lại muốn đầu tư vào BĐS, anh Chính, một nhà đầu tư đã quyết định chọn phương án mua một mảnh đất dịch vụ. Mặc dù biết là với loại nhà đất này, tính pháp lý chưa đầy đủ, mua bán vẫn chỉ là viết tay, và sau này rất có thể sẽ gặp phải những rắc rối với chủ nhà, nhưng anh vẫn chấp nhận do ưu điểm là giá chỉ bằng một nửa giá đất khu vực bên cạnh.
Khác với những người dám mạo hiểm, những người không dám mạo hiểm lại chọn cách đầu tư về khu vực xa trung tâm như Mê Linh, Đông Anh với mức giá khoảng 10 đến 20 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư một dự án khu vực này cho biết, do tín dụng bị thắt chặt, nên nhiều trường hợp một lô đất có giá 2 tỷ đồng, phải vài người cùng chung mới đủ tiền có vẻ xu hướng tập hợp thành nhóm của các nhà đầu tư ít tiền đang trở nên khá mạnh mẽ.
Trái ngược với tâm lý chấp nhận mạo hiểm, rủi ro giữ tiền bằng đất của những người ít tiền, thì những người nắm giữ BĐS giá trị lớn lại có xu hướng bán ra. Anh Tuấn, một nhà đầu tư phân tích: Trung bình một mảnh đất 90-100 m2 tại một số khu đô thị phía Tây Hà Nội như An Hưng, Gleximco, Văn Phú… có giá trị ít nhất cũng từ 7-10 tỷ đồng. Nếu tiếp tục giữ các BĐS trị giá lớn này, thì khả năng sinh lời, thậm chí tính thanh khoản cũng khó. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán rẻ để thu tiền mặt về chuyển hướng về phân khúc giá thấp.
Theo ghi nhận, giá tại một số dự án khu vực phía Tây HN đã có sự sụt giảm mạnh, có những nơi đã giảm giá 5-7 triệu đồng/m2, trong khi đó, tại một số dự án và đất nền có giá ở mức 10-20 triệu/m2 lại có xu hướng tăng giá do lượng nhà đầu tư tập trung nhiều. Tuy nhiên, bài học đầu tư xa tại Ba Vì, Sóc Sơn và sự sụt giá mạnh của phân khúc giá rẻ này thời gian qua vẫn là điều các nhà đầu tư cần thận trọng. Bởi giá rẻ, nhưng hạ tầng thiếu thì tính thanh khoản của BĐS kiểu này sẽ không dễ như kỳ vọng.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: