Bất động sản là một bộ phận của nền kinh tế. Ở các nước phát triển, quy mô của thị trường này có thể chiếm tới 20-30% GDP, nhưng Việt Nam hiện chưa xác định được con số này - chuyên gia thị trường, giá cả Vũ Đình Ánh nói.
Chưa xác định được quy mô
TS. Vũ Đình Ánh nói vậy bên lề buổi tọa đàm "Làm gì với thị trường bất động sản năm 2011", do Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội tổ chức mới đây.
Theo ông, cần phải đánh giá nghiêm túc quy mô của thị trường bất động sản, từ đó, xác định được khoản trên 20% tín dụng mà các ngân hàng thương mại rót vào lĩnh vực này mỗi năm là cao hay thấp, cũng như tính toán việc thắt chặt tín dụng đến mức nào để bất động sản không bị đổ vỡ quá mức trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
"Khó khăn thì tất cả đều khó khăn, nhưng bất động sản là một bộ phận tất yếu của nền kinh tế, do đó nó vẫn phải được hưởng mức ưu đãi giống như các lĩnh vực khác", ông Ánh khẳng định.
Vị tiến sĩ này phân tích, mục tiêu Nhà nước đặt ra trong năm 2011 là tăng trưởng tổng tín dụng khoảng 20%; tín dụng cho bất động sản sẽ giảm xuống 16%. Hiện nay, cho vay tín dụng lĩnh vực này đang chiếm 23% tổng tín dụng, đến giữa năm 2011, dự kiến giảm xuống 22% và cuối năm sẽ còn 16%. Như vậy tính sơ sơ, thị trường bất động sản sẽ mất khoảng 5 tỷ USD tín dụng.
Thị trường bất động sản sẽ mất khoảng 5 tỷ USD tín dụng.
|
Làm thế nào để duy trì sự phát triển của thị trường này trên quy mô cả nước, hay nói cách khác, lấy đâu ra 5 tỷ USD để bảo đảm tiến độ phát triển bất động sản, phù hợp với tiến độ phát triển của nền kinh tế năm 2011?
Ông Ánh cho rằng, vấn đề của chúng ta hiện nay không phải là thiếu tín dụng, mà nhiều năm nay, tín dụng bùng nổ quá nhanh. Chúng ta hiện không thiếu tiền đồng, đôla, vàng mà vấn đề là chúng "đang ở đâu, đi đâu và muốn đi đâu?". Làm gì lúc này nghĩa là giải bài toán: làm sao hút được các nguồn lực đang ở đâu đó để đưa vào thị trường?
Phát huy nội lực
Dựa trên ngữ cảnh khá tương đồng của điều tiết kinh tế vĩ mô năm 2008, trả lời câu hỏi chủ đề của buổi toạ đàm, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, trước hết mỗi nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này không nên trông chờ vào các chính sách nới lỏng, hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, mà phải tự chủ động lo liệu trước cho mình.
"Việc thiếu vốn trên thị trường bất động sản là hệ quả của các giải pháp kiềm chế lạm phát, tăng giá. Nếu chúng ta biết tự lo trước và có các giải pháp khác về vốn thì thị trường sẽ đứng vững, không có chuyện bị suy giảm" - ông Võ nhìn nhận.
Theo đó, ông đưa ra 3 gợi ý giải pháp chính.
Thứ nhất, cần tiếp tục động viên nguồn vốn trong dân thông qua hình thức mua bán bất động sản hình thành trong tương lai. Giải pháp này sẽ phát huy rất tốt khả năng huy động vốn trong dân nhất là khi người tiêu dùng và các nhà đầu tư cá nhân tin tưởng, an tâm vào sự tăng trưởng của thị trường.
Thứ hai, động viên nguồn vốn đầu tư, hợp tác từ lực lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, loại hình khác vào bất động sản, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài - FDI.
"Đầu tư FDI là cái cần nghiên cứu. Hiện nay nhiều người nói rằng FDI hiệu quả không cao vì nhiều lý do khác nhau. Song lúc này việc hợp tác để có vốn, giải cứu cho thị trường bất động sản trụ lại cũng là điều cần nên xem xét", ông Võ nói.
Phương án tiếp theo là cho phép thế chấp bất động sản tại các ngân hàng nước ngoài để tận dụng được lãi suất cho vay thấp, thường chỉ từ 4-5%/năm với tín dụng bất động sản.
Hiện nay, theo luật, việc thế chấp bất động sản chỉ được phép tại các ngân hàng trong nước, nhưng lực lượng vốn của các tổ chức tín dụng này không cao. Trong khi đó, các ngân hàng nước ngoài rất mong muốn được tiếp cận vấn đề này.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cho biết thêm, trước đây, Chính phủ đã từng cho thí điểm thế chấp bất động sản tại các ngân hàng nước ngoài nhưng cái khó là pháp luật chưa cho phép, nhất là bởi chúng ta chưa có cơ chế, chế độ sử dụng đất dành cho người, doanh nghiệp nước ngoài không phải là nhà đầu tư vào Việt Nam.
"Đây là điều chúng ta chắc chắn phải làm vì đã là thành viên của tổ chức thương mại thế giới. Chính phủ cần xem xét đề nghị Quốc hội sớm có những điều chỉnh về chính sách, pháp luật đất đai, tạo cơ chế cho phép việc thế chấp bất động sản tại các ngân hàng thương mại nước ngoài. Có vậy mới làm cho thị trường bất động sản Việt Nam đứng vững", ông Võ đề xuất.
Trước câu hỏi về đánh giá các biện pháp thu hút nguồn vốn cho bất động sản đang và sắp được thực hiện thời gian tới như quỹ tiết kiệm, đầu tư, tín thác bất động sản, ông Võ cho rằng, đó chủ yếu để hỗ trợ cho khu vực nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp. Còn nếu để hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển, phải cần những nguồn vốn lớn hơn nhiều.
Thị trường bất động sản sẽ đối mặt với vấn đề thiếu vốn. Năm 2011 là năm nhà đầu tư cố gắng tìm các nguồn vốn nhằm giữ thị trường ổn định. Riêng thị trường Hà Nội, không loại trừ do các thông tin quy hoạch, phát triển hạ tầng, sẽ gây nên tình trạng sốt đất ở một số khu vực trong một thời gian ngắn. Đây là vấn đề hoàn toàn mang tính cục bộ, không phải phản ánh chung tình trạng của thị trường.
(GS.TS. Đặng Hùng Võ)
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: