Top

Di dời sân bay Đà Nẵng lên Sơn Trà: Không thể hiểu!

Cập nhật 10/09/2018 13:43

 - Việc di dời sân bay Đà Nẵng lên bán đảo Sơn Trà là ý tưởng điên rồ về mặt quy hoạch cũng như kỹ thuật hàng không.

Không an toàn cất hạ cánh

Tại hội thảo Định hướng quy hoạch trung tâm TP Đà Nẵng ngày 8/9, KTS Trương Văn Quảng - Phó tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng nên di dời sân bay Đà Nẵng sau năm 2035, để dành quỹ đất quy hoạch xây dựng, phát triển trung tâm thương mại, đô thị…có đẳng cấp.

Ông đưa ra hai giải pháp: thứ nhất là khai thác sử dụng sân bay Chu Lai, kết nối nhanh bằng đường cao tốc và đường sắt đô thị cao tốc; thứ hai, xây mới cảng hàng không quốc tế tại phía đông bán đảo Sơn Trà.

Đưa ra quan điểm về vấn đề này, KTS Hoàng Sừ - nguyên Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam cho rằng, đây là ý tưởng thuộc hàng "điên rồ" nhất vì về mặt kỹ thuật hàng không, không cho phép chọn vị trí này xây dựng sân bay vì tĩnh không sườn và tĩnh không đầu, không đảm bảo an toàn khi cất hạ cánh cho máy bay.

Năm 1979, đã từng xảy ra một vụ máy bay đâm vào sườn núi Sơn Trà. Đồng thời Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học cực kỳ quý giá,là lá phổi xanh, là tấm khiên quốc phòng che chắn cho thành phố, cần khẳng định mạnh mẽ Sơn Trà là bất khả xâm phạm.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao phải tính đến chuyện di dời sân bay ra khỏi thành phố? Để làm gì?.


Đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng sang bán đảo Sơn Trà

Vấn đề cực kỳ quan trọng để thành phố Đà Nẵng phát triển với mục tiêu hướng tới như Hồng Kông, Singapore...là cần phải có quỹ đất "vàng" với quy mô lớn cả ngàn ha và phải ở vào vị trí đắc địa trong trung tâm thành phố. Điều kiện này dường như không thể có được vì toàn bộ nội đô và ven biển Đà Nẵng, thành phố đã chia lô bán nền sạch sẽ từ lâu.

Duy nhất chỉ còn có 850ha sân bay Đà Nẵng và 150 ha Sân bay Nước Mặn có thể đáp ứng điều kiện trên. Đề xuất di dời sân bay ra khỏi thành phố đã có tiền lệ. Cụ thể đã được thực hiện thành công ở TP Nha Trang.

Bây giờ cần phải đặt vấn đề rằng thành phố Đà Nẵng có thực sự muốn đạt cho được mục tiêu trở thành thành phố ngang tầm Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore...hay không?.

Còn đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng đã nhận được sự đồng tình và không đồng tình từ các tầng lớp xã hội.

Chỉ có 2 lựa chọn

Ở góc độ khác, ông Sừ cho biết: "Cá nhân tôi thì thành phố Đà Nẵng muốn có đất xây dựng trung tâm tài chính thương mại...tạo động lực cho thành phố phát triển ngang tầm châu lục thì không còn con đường nào khác là phải di dời cả 2 sân bay ra khỏi thành phố.

Còn dời đi đâu? Ra biển phía giáp Huế hoặc đông Sơn Trà là không thể vì vướng núi cao không an toàn khi bay.

Vậy chỉ còn 2 lựa chọn:

Lựa chọn 1: Chuyển vào khu vực Thăng bình Quảng nam: khu vực này gần thành phố Đà Nẵng 30-40km, có thể tìm ra quỹ đất đủ xây dựng sân bay mới. Tuy nhiên rất phức tạp do phải đền bù giải tỏa rất lớn và chi phí xây dựng sân bay quốc tế hoàn toàn mới cực kỳ cao, hàng tỷ USD với thời gian rất dài nhiều chục năm.

Đầu tư xây dựng mới sân bay sẽ làm nợ công tăng cao.

Lựa chọn 2: Chuyển về sân bay Chu lai ( cách Đà Nẵng 100km với 1h ô tô cao tốc hoặc 30 phút xe điện)

Lựa chọn này khả thi về thực hiện do không quá khó trong rào cản hành chính vì tỉnh Quảng Nam sẽ sẵn sàng đón nhận. Đồng thời nhà nước không đầu tư quá nhiều tiền vì sân bay Chu Lai hiện đã có hạ tầng hàng không đầy đủ.

Đường băng chính dài hơn 3500m đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay cỡ lớn của thế giới(trước đây B52 Mỹ đã từng đáp xuống sân bay này).

Chỉ cần xây dựng thêm nhà ga đủ quy mô là sẽ tốt ngay. Sau khi di dời, các nhà ga quốc nội và quốc tế tại sân bay Đà Nẵng lập tức sẽ được chuyển chức năng sang cho làm Shoping Mall, siêu thị, trung tâm quảng bá, trung tâm du lịch...rất hoành tráng và lập tức trở thành các trung tâm tầm cỡ quốc tế.

Đồng thời hơn 800ha đất vàng sẵn sàng đón nhận các tập đoàn tài chính ngân hàng quỹ đầu tư tài chính quốc tế vào đầu tư và sẽ có bước đột phá ngoạn mục trong cơ cấu kinh tế của thành phố, nguồn thu từ trung tâm tài chính này sẽ tạo đà cho thành phố Đà Nẵng vươn lên ngang tầm các đô thị giàu có trong khu vực.

Về giao thông Đông Tây sẽ chẳng cần phải tốn cả ngàn tỷ để đào hầm xuyên dưới sân bay như ý tưởng một số người đã đề xuất mà dễ dàng mở một trục đại lộ kết nối đường quốc lộ 1 vào trục Nguyễn văn Linh, cực kỳ thuận lợi cho kết nối trung tâm thành phố cũ và trung tâm thành phố mới.

Để lựa chọn này có tính khả thi hơn cần xây dựng tuyến xe điện cao tốc khoảng 100km kết nối Đà Nẵng - Chu Lai với thời gian 30 phút là thời gian lý tưởng cho vận chuyển ra vào sân bay và thành phố.

Tôi đã làm việc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ đều cho rằng vấn đề không phải xa hay gần mà là thời gian đi từ sân bay vào thành phố, 30 phút là hợp lý.

Lựa chọn này càng thêm thuyết phục cho các nhà khai thác sân bay vì lúc đó sân bay Chu Lai thực sự trở thành sân bay của vùng, phục vụ cho cả 3 tỉnh thành Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Giải pháp này còn mang đậm tính kế thừa, vì cả Chu Lai và Đà Nẵng đều tận dụng hết cơ sở hạ tầng khủng. Sân bay Chu Lai sẽ xài hết công suất, còn nhà ga ở sân bay Đà Nẵng chuyển làm shoping Mall là tuyệt hảo".

DiaOcOnline.vn - theo Báo Đất Việt