Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) lên 12% và đánh thuế căn nhà thứ hai là nhằm kiểm soát đầu cơ, tăng thu ngân sách.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh bất động sản (BĐS) lại cảm thấy bất an, bởi dù sắc thuế mới chỉ trong giai đoạn lấy ý kiến nhưng đã tác động lớn đến thị trường này.
Bung hàng trước mối lo tăng thuế
Thị trường BĐS đang bước vào cao điểm cuối năm, cùng tâm lý lo ngại về đề xuất thuế mới. Trong đó, đối với người nghèo và người có thu nhập thấp, mối lo lắng chủ yếu tập trung vào việc tăng thuế VAT, còn đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai hầu như không ảnh hưởng gì đến họ. Với giới đầu cơ BĐS, đề xuất thuế mới chỉ giống như “bình mới, rượu cũ”, bởi lâu nay, các hợp đồng giao dịch BĐS thường được "mã hóa” bằng số tiền cực thấp, để chịu mức thuế tối thiểu theo quy định. Chia sẻ về vấn đề này, anh Phạm Hồng Tuấn, chuyên môi giới BĐS cho hay: Chuyện “né thuế” giao dịch BĐS khá phổ biến hiện nay, chủ yếu là sự đồng thuận giữa các bên với nhau. Quan trọng là giá trị BĐS không giảm vì các ngân hàng định giá BĐS dựa vào giá thị trường, không dùng khung giá quy định của Nhà nước.
Một số dự án bất động sản tại khu phía Tây quận 4, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Sông Hương
|
Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, các dự án căn hộ hạng sang, giá cao đang thi nhau mở bán. Khu vực quận 2 có 11 dự án như: The Lancer, Terra Royal, New City Thủ Thiêm, Masteri An Phú, Sensation Thảo Điền, An Phú Complex và Đảo Kim Cương (Diamond Island)… Khu vực quận 3 cũng có dự án Terra Royal. Quận 4 có dự án Landcaster Lincoln và Charimington Iris. Ngoài ra, còn các dự án khác như: Dragon Riverside City (quận 5), Phú Mỹ Hưng Midtown (quận 7), dự án Sunwah Pearl (quận Bình Thạnh), dự án Spring Light City (quận 1).
Nhìn chung các dự án này đều tung ra các chính sách bán hàng khá hấp dẫn để đẩy hàng dịp cuối năm, thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, giao dịch thành công cũng không được như kỳ vọng. “Tôi cho rằng, những đề xuất về tăng thuế VAT, rồi đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi, mặc dù mới chỉ đưa ra lấy ý kiến nhưng làm nóng trên các diễn đàn truyền thông vừa qua, phần nào ảnh hưởng tới giao dịch của thị trường. Nhiều khách hàng khi tham khảo dự án đã bày tỏ sự hoang mang về chính sách thuế. Chúng tôi cũng cảm thấy bất an vì khó đẩy hàng” – giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại quận 2 cho hay.
Lo ngại phản ứng dây chuyền
Chuyên gia tư vấn tài chính, Nguyễn Hải Nam (Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - SSI) cho rằng, việc tăng thuế VAT và đưa nhà ở thứ hai vào diện chịu thuế sẽ có tác động tiêu cực, không chỉ với thị trường BĐS mà còn với cả nền kinh tế. Vì, BĐS là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có mối tương quan mật thiết với nhiều ngành sản xuất kinh doanh khác như: Xây dựng, sắt thép, xi măng, trang trí nội thất, vận chuyển, dịch vụ và du lịch.
Vì thế, việc dùng công cụ thuế để tác động lên thị trường BĐS cũng sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác. Hiện tại, việc đánh thuế nhà ở thứ hai khó áp dụng, vì thiếu nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Nếu đánh thuế nhà ở thứ hai sẽ tác động tiêu cực đến thị trường nhà cho thuê, vì người mua nhà thứ hai bị đánh thuế thì khách thuê sẽ phải chịu phần tăng giá. Như vậy, khách thuê sẽ rất khó khăn, vì thường là những người có thu nhập thấp.
Đánh giá về tác động đề xuất tăng thuế VAT và đánh thuế căn nhà thứ hai, Giám đốc Thông tin tín dụng ngân hàng Nam Á Dương Thị Phương Trâm cho rằng: Đây là câu chuyện cũ từ nhiều năm trước, nay được Bộ Tài chính đem ra lấy ý kiến. Việc đánh thuế tài sản với căn nhà thứ hai mang đến nhiều cái lợi cho Nhà nước như quản lý thị trường BĐS tốt hơn, nắn dòng tiền ra khỏi BĐS hoặc tăng thu cho ngân sách. Ngược lại, sắc thuế mới này cũng mang đến nhiều lo ngại cho DN BĐS, vì giá sản phẩm sẽ cao hơn, sẽ khoét sâu hơn chênh lệch cung cầu. Như thế, DN BĐS đã khó nay càng khó hơn.
Còn thuế VAT tăng sẽ là câu chuyện tài chính của tất cả mọi người, bất kể giàu hay nghèo. Giả sử, chúng ta có 1 triệu đồng, giá trị sẽ được giữ nguyên nếu không tiêu dùng. Khi dùng tiền mua sắm, chúng ta sẽ phải chịu thuế VAT hiện tại là 10% (tức 100.000 đồng). Nếu áp dụng sắc thuế mới, chúng ta sẽ phải chịu thuế VAT là 12% (tức 120.000 đồng). Như vậy, người nghèo sẽ chịu tác động lớn hơn cả. Nếu không cẩn trọng, chính sách cải cách thuế sẽ chịu hệ quả của hiệu ứng donimo.
Cần nghiên cứu khả thi
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng khẳng định, đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai là ý tưởng trung hạn, được nghiên cứu từ cách đây nhiều năm, song, triển khai thực hiện thế nào và khi nào áp dụng thì cần đánh giá khả thi. Theo ông Phụng, việc điều tiết thuế là quan trọng, nhưng với cơ chế quản lý thông tin đất đai chưa có hệ thống đăng ký liên thông như hiện nay thì khó thực hiện. Hơn nữa, việc đánh thuế chỉ căn cứ vào thu nhập và tài sản của từng người, không thể đánh thuế đồng bộ mới đảm bảo công bằng, minh bạch. “Đánh thuế nhà ở thứ hai hiện mới chỉ là câu chuyện đang được bàn luận, cần sự tương tác đa chiều, để tránh sự xáo trộn cho thị trường BĐS.”
Liên quan đến đề xuất tăng thuế VAT, ông Phụng nói thêm: Ban đầu, thuế VAT được chia thành nhiều mức: 0% cho hàng hóa xuất khẩu, 5% đối với các mặt hàng thiết yếu, 10% dành cho hàng hóa đại đa số và 20% áp dụng với một số hoạt động như môi giới, đại lý... Sau này, thuế VAT 20% đã được hủy bỏ vì không phù hợp. Thời gian qua, cùng với người dân, Nhà nước đã đầu tư nhiều cho hạ tầng kỹ thuật và xã hội để phục vụ phát triển. Vì thế, tăng thuế VAT là để tái cơ cấu nguồn thu ngân sách.
Luật sư Đàm Bảo Hoàng – Trưởng Văn phòng Luật sư Đàm Bảo Hoàng cho hay, ngành BĐS vốn nhạy cảm với chính sách, đặc biệt là lãi suất tín dụng và thuế. Do đó, khi nhắc đến việc đánh thuế nhà ở thì chúng ta cần phân biệt rõ đối tượng sở hữu, nhất là người thu nhập thấp. Giả sử một người có căn nhà với diện tích 500m2 và không bị đánh thuế. Trong khi đó, người khác có hai căn nhà, mỗi nhà rộng 50m2 lại bị đánh thuế thì rất vô lý. Còn nếu điều tra, đánh giá từng BĐS để đánh thuế thì sẽ khó khăn và phức tạp, do đó nếu đánh thuế thì đánh hết, nhưng để làm được điều này không dễ.
Luật sư Đàm Bảo Hoàng: Cẩn trọng chuyện thuế chồng thuế
Việc Bộ Tài chính lấy ý kiến Dự thảo tăng thuế VAT và đánh thuế căn nhà thứ hai nhằm tạo sự đồng thuận trong dân và DN. Cho nên, các nhà quản lý cũng phải tính đến chuyện thuế chồng thuế, vì đã có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nên khi đánh thuế với căn nhà thứ hai là không ổn. Còn với đề xuất tăng thuế VAT, nếu áp dụng sắc thuế này, người mua sẽ bị đánh trực tiếp vào túi tiền. Loại thuế này sẽ khiến người nghèo chịu gánh nặng hơn người giàu, vì thu nhập vốn đã thấp nay sẽ thấp hơn (khi tiêu dùng). Vì thế, tích lũy tài sản của người nghèo sẽ giảm và khó có thể mua được một căn nhà để an cư.
GS. Đặng Hùng Võ: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp mới cần cải cách đầu tiên
Thay vì đưa ra một sắc thuế mới, điều chúng ta cần bàn là phải cải cách thêm về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Hiện mức thuế này là 0,03%, trong khi các nước khác là 1%. Ở các nước, người ta sử dụng số tiền thu được từ thuế đất để phát triển hạ tầng đô thị, phát triển dịch vụ đô thị thì ở nước ta lại vay ODA để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ. Vì vậy, điều chúng ta cần cải cách đầu tiên là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nếu thuế cao thì giá đất sẽ thấp và ngược lại. Khi đánh thuế cao thì cầu về đất sẽ giảm, kéo theo giá giảm. Cho nên, việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai là chưa hợp lý, bởi sắc thuế này chủ yếu tác động vào phân khúc nhà cho thuê là chính...
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: