Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội lên tiếng về đề xuất áp thuế chống đầu cơ bất động sản.
Viêc xây dựng Luật thuế tài sản theo các chuyên gia có thể cần thiết nhưng điều đáng lo là cơ quan chức năng có thể xác định được tài sản của từng người hay không khi người Việt vẫn có thói quen dùng tiền mặt và cơ sở dữ liệu nhà, đất nghèo nàn, thiếu liên thông?
Đánh thuế nhà ở: Bây giờ mới làm là chậm?
Trong báo cáo mới đây, đại diện Bộ Tài chính đã nhắc tới một đề xuất đáng chú ý là cần nghiên cứu xây dựng Luật thuế tài sản để hạn chế đầu cơ, sử dụng bất động sản lãng phí.
Không nói rõ “tài sản” ở đây bao gồm những gì, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính chỉ cho biết, đây là vấn đề đang được nghiên cứu.
“Trong tài sản, chỉ đánh thuế vào nhà không hay tài sản là những loại nào thì chưa có,” ông Thi nói.
Nói về ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho hay, hiện ở Việt Nam có một số loại thuế, phí lên quan tới đất đai như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, lệ phí trước bạ,… Tuy nhiên, theo bà các loại thuế hiện tại chỉ áp dụng với đất mà không phải với việc sở hữu nhà ở. Chính vì không phải đánh thuế nên theo bà Cúc, một số người vẫn có tâm lý tích trữ nhà để chờ giá lên. Bởi vậy, việc đánh thuế tài sản trong đó bao gồm cả nhà theo bà có thể cũng là một hình thức để hạn chế đầu cơ.
Theo bà, một số nước như Mỹ có quy định đánh thuế với tài sản có giá trị lớn như đất đai, nhà cửa rất cao với mục đích là không khuyến khích đầu cơ.
Ở hướng khác, trong văn bản gửi Bộ Tài chính, đại diện Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh lại bày tỏ quan điểm, Luật thuế tài sản có thể được nghiên cứu áp dụng với một số trường hợp trong đó có: Đánh thuế đối với người có nhiều nhà, đất (từ nhà thứ 2 trở đi) để phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản.
Nhắc tới việc đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội thậm chí còn cho rằng, luật thuế tài sản bây giờ mới đưa ra là chậm.
“Nguyên lý là cái gì phát sinh lợi nhuận thì phải đóng thuế, nhà ở cũng như tài sản khác. Quan niệm của ta vẫn chưa thông, cái gì phát sinh lợi nhuận thì phải đóng thuế nhưng riêng nhà, đất ta lại không nghĩ. Thế là không công bằng,” ông Điệp lên tiếng.
Điều này theo ông càng quan trọng khi tới năm 2018-2020, nhiều loại thuế xuất nhập khẩu sẽ về 0%. Nguồn thu từ tài sản vì thế sẽ trở nên vô cùng quan trọng.
Thực tế, theo đánh giá của Bộ Tài chính, số thu thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,03% GPD và khoảng 0,15% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Trong khi ấy, với các nước khác, tỷ lệ này cao hơn rất nhiều. Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% GDP với các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ngoài ra, nguồn thu này cũng chiếm khoảng 0,6% GDP tại các nước đang phát triển và khoảng 0,68% tại các quốc gia đang chuyển đổi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: