Top

Đề xuất cho người dân được bán nhà tái định cư

Cập nhật 18/01/2016 08:55

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng cho phép chủ sở hữu nhà ở tái định cư, người sở hữu suất nhà ở tái định cư được quyền bán, chuyển nhượng nhà ở, suất tái định cư theo nhu cầu và không bị hạn chế quyền định đoạt của mình.

Một chung cư tái định cư tại TPHCM - Ảnh: Mạnh Tùng

Theo HoREA, các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM – những nơi đang và sẽ thực hiện nhiều công trình trọng điểm, rất cần có quỹ nhà tái định cư để phục vụ các cá nhân, hộ gia đình bị giải tỏa nhà.

Theo quy định của các địa phương hiện nay, người nhận nhà tái định cư được cấp chủ quyền nhà nhưng không được chuyển nhượng trong một thời gian khá dài (thường là từ 5-10 năm - PV).  Đồng thời, người nhận suất nhà ở tái định cư cũng không được chuyển nhượng suất tái định cư.

Trong khi đó, theo  pháp luật dân sự và kể cả tinh thần Luật Nhà ở 2014, thì người sở hữu nhà tái định cư cũng phải có quyền định đoạt đối với căn nhà của mình. Bên cạnh đó, theo HoREA, suất nhà ở tái định cư cũng là quyền tài sản của người dân nên họ cũng phải được quyền định đoạt quyền tài sản đối với suất nhà ở tái định cư.

Do vậy, Hiệp hội này đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng cho phép chủ sở hữu nhà ở tái định cư được định đoạt (bán, chuyển nhượng) nhà ở tái định cư của mình. Đối với người sở hữu suất nhà ở tái định cư, HoREA kiến nghị cho phép họ được quyền sang nhượng suất tái định cư theo nhu cầu và không bị hạn chế quyền định đoạt của mình.

Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, tại TPHCM, hiện khá nhiều điểm môi giới nhà đất, thậm chí nhiều nhân viên các sàn giao dịch bất động sản đang rao bán các căn hộ tại các dự án chung cư tái định cư.

Những người môi giới sẽ đi “gom” những suất tái định cư của những người được nhà nước "đền bù" nhưng không sử dụng để bán cho khách hàng, hưởng tiền hoa hồng của bên “bán”.

Chẳng hạn, tại chung cư tái định cư trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh được một số nhân viên môi giới rao bán với giá 17-18 triệu đồng/ mét vuông cho những căn hộ từ 60-90 mét vuông. Hoặc một số căn hộ tại chung cư tái định cư C5-C6 đường Man Thiện, quận 9 hiện đang được người dân ở theo diện mua lại suất tái định cư.

Thực tế, vì  nhiều người có suất tái định cư (bên bán) không muốn ở nhà tái định cư được cấp nên muốn bán suất này để nhận một khoản tiền, chuyển đến nơi khác sinh sống, làm ăn. Do đó, việc khách mua lại các suất tái định cư này (bên mua) được thực hiện bởi một hợp đồng giấy tay, như một cam kết giữa hai người. Đồng thời, bên bán sẽ ủy quyền để chuyển nhượng quyền mua căn hộ cho bên mua.

Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà được chủ đầu tư làm vẫn mang tên bên bán và do đó bên mua có thể phải chịu rủi ro khi bên bán không thể làm thủ tục sang tên cho bên mua, dù bên mua đã thay mặt bên bán nộp đủ tiền cho chủ đầu tư.

Trước đây, UBND TPHCM từng có chủ trương tháo gỡ cho những trường hợp đã mua suất tái định cư bằng việc cấp giấy chủ quyền cho người mua suất này nếu đã đóng đủ tiền.

HoREA cho rằng, việc cho phép chủ sở hữu nhà ở tái định cư, người sở hữu suất nhà ở tái định cư được quyền bán, chuyển nhượng nhà ở, suất tái định cư sẽ đảm bảo tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu nhà ở tái định cư, suất nhà ở tái định cư. Theo HoREA, quy định này nếu được áp dụng sẽ vừa giúp thị trường bất động sản hoạt động minh bạch, vừa giúp cho cơ quan Nhà nước quản lý chính xác các hoạt động của thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG