Ban Quản lý dự án 7 vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đầu tư xây dựng dự án cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Cầu Mỹ Thuận nằm trên quốc lộ 1A, bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN) |
Theo đề xuất của phía đơn vị lập dự án, cầu Mỹ Thuận 2 là dự án nằm trong tổng thể của tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận-Cần Thơ, trong đó đoạn Trung Lương-Mỹ Thuận đã được khởi động lại vào ngày 7/2 vừa qua; đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ hiện nay đang hoàn thiện báo cáo tiền khả thi (F/S), dự kiến khởi công vào quý 4/2016. Như vậy, việc sớm đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 để đảm bảo thông toàn bộ tuyến cao tốc trên là hết sức cần thiết và cấp bách.
Cầu Mỹ Thuận 2 vượt qua sông Tiền, nằm cách cầu Mỹ Thuận khoảng 1,2km về phía thượng lưu. Tổng chiều dài tuyến khoảng 6,4km trong đó phần cầu khoảng 2,2km, phần đường dẫn vào cầu khoảng 4,3km. Phần cầu có quy mô 6 làn xe, bề rộng 28m. Riêng phần đường phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, đảm bảo bề rộng 16,5m (4 làn xe cao tốc). Điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 30 (là điểm cuối của tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận), điểm cuối giao với Quốc lộ 80 (là điểm đầu của tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ).
Để đảm bảo tĩnh không thông thuyền, Ban Quản lý dự án 7 đưa ra 4 phương án kết cấu xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 tương ứng với từng mức tổng đầu tư cho công trình.
Cụ thể, phương án 1 cầu chính nhịp treo dây võng với tổng chiều dài 2.240m để tránh lòng sông sâu sẽ có tổng mức đầu tư 9.760 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 29 năm 5 tháng.
Phương án 2 cầu nhịp chính treo dây văng, tổng chiều dài 2.270m với mức đầu tư lên tới 9.575 tỷ đồng, hoàn vốn trong vòng 29 năm 1 tháng.
Phương án 3 sử dụng nhịp treo dây văng giống cầu Mỹ Thuận, tổng chiều dài 2.250m có nguồn vốn đầu tư là 7.824 tỷ đồng, hoàn vốn trong 26 năm 5 tháng.
Phương án 4 cầu chính sử dụng nhịp đúc hẫng cân bằng, cầu có chiều dài 2.310m vốn đầu tư xât dựng là 7.119 tỷ đồng, hoàn vốn 25 năm 2 tháng.
Theo ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7, các phương án 1, 2 và 3 có khổ thông thuyền đảm bảo tương tự như cầu Cao Lãnh và Mỹ Thuận nằm ở thượng lưu và hạ lưu cầu Mỹ Thuận 2 trong đó phương án 1 và 2 sử dụng nhịp lớn để tránh lòng sông sâu, giảm xác suất va tàu và tải trọng va tàu lên trụ cầu.
"Riêng phương án 4 là bố trí khổ thông thuyền tách thành 3 luồng đi 2 chiều ở nhịp giữa và 2 khổ đi 1 chiều tại mỗi nhịp biên là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu kỹ về luồng vận tải của tàu pha sông biển, có biện pháp phân luồng đảm bảo giao thông thủy an toàn và hợp lý,” ông Khánh đánh giá.
Bổ sung thêm, ông Khánh cũng đưa ra phân tích về phương án 4 là sử dụng nhịp đúc hẫng có chiều dài nhịp chính 150m dẫn tới có thêm ít nhất 2 trụ chính trên sông so với các phương án cầu dây. Hơn nữa, trụ chính đặt vào khu vực lòng chủ sông sâu lên tới 40m khó thi công, xác suất va tàu và tải trọng va tàu lớn dẫn tới chi phí tăng hơn so với việc xây dựng các cầu đúc hẫng thông thường.
Đề cập đến việc thu phí hoàn vốn của dự án, ông Khánh cho rằng, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được xem xét thu phí phối hợp của 2 đoạn cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ để đảm bảo thu phí mà không gây phiền hà cho các phương tiện giao thông. Mức phí dự kiến cho dự án này khởi điểm là 1.500 đồng/PCU và tăng 18% sau 3 năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnam+
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: