Top

Đề phòng 'sập bẫy' nhà đất giá rẻ ở TP.HCM

Cập nhật 31/03/2017 14:28

Nhà đất giá rẻ được rao bán nhan nhản ở TP.HCM nhưng nếu không cẩn thận, người mua sẽ rơi vào "bẫy" tinh vi của cò đất cũng như chủ đầu tư.

Dọc các tuyến đường như Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt, Nguyễn Cư Trinh….xuất hiện đầy rẫy băng rôn quảng cáo bán nhà đất giá rẻ ở nhiều quận huyện trên địa bàn TP.HCM và cả Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Nhà vừa ở đã sụt lún

Dịch vụ rao bán nhà, đất nền kiểu hàng rong tập trung khá nhiều ở các quận huyện giáp các tỉnh lân cận như TP.HCM như đại lộ Bình Dương, quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội…. Giá nhà đất ở đây dao động từ 100 đến 800 triệu đồng/nền. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng khá thất vọng hoặc đất quá xấu, nằm ở vị trí xa, không như quảng cáo.

Khác xa với quảng cáo: “Khi đọc thông tin quảng cáo, cần bán gấp nhà mặt tiền 100m2 với giá chỉ 1,3 tỷ đồng ở đường Huỳnh Tân Phát, quận 7, tôi gọi điện và được chủ dẫn đến xem nhà thì mới biết ngôi nhà nằm trong hẻm đường Huỳnh Tấn Phát nhưng thuộc huyện Nhà Bè.

Thắc mắc về bảng quảng cáo trước đó thì chủ nhà bảo đó là giá bán nhà nằm trên tuyến đường huyết mạch nối giữa Nhà Bè và quận 7 vào trung tâm thành phố chứ quận 7 nhà mặt tiền rộng mà gần 100m2 làm gì có giá đó”, chị Nguyễn Thị Thu quận Phú Nhuận chia sẻ.


Những ngôi nhà được rao bán với giá chỉ từ 3 tới 5 triệu đồng/m2.

Chị Thu khá may mắn vì sớm phát hiện "chiêu" bán nhà đất giá rẻ của chủ nhà. Trong khi đó, nhiều khách hàng khác không may mắn phải mua nhà kém chất lượng.

Lần theo một mẫu quảng cáo, PV VTC News đến đường Nguyễn Quang Sáng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Tại đây, nhiều ngôi nhà được xây dựng khá giống nhau với chiều ngang 3,5 x 13m hay 3 x 10m, 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và nhà bếp. Những căn nhà này trở nên hấp dẫn khi được rao bán với giá chỉ từ 3 tới 5 triệu đồng/m2.

Theo quan sát của chúng tôi, nơi đây như một cánh đồng. Một “cò” đất tiết lộ, ở đây khách hàng muốn mua đất nền hay nhà xây dựng sẵn bao nhiêu cũng có.

Theo một công ty bất động sản, chuyên xây dựng nhà mô hình này, đây là loại nhà bán rất chạy, xây tới đâu bán tới đó bởi phù hợp với thu nhập của những người có thu nhập thấp.

Chị Hoa (huyện Hóc Môn) là người kém may mắn khi mua phải nhà kém chất lượng. Chị Hoa đang đau đầu vì căn nhà của chị và nhà kế bên chỉ chung một bức tường dài 15m. Sự việc được phát hiện khi chị tiến hành sửaa chữa và hai bên phát sinh tranh chấp bức tường trên. Không những thế, sau một thời gian sử dụng nền nhà bị sụt lún, tường nứt do hệ thống cột bê tông chỉ xây bằng gạch.

“Cũng do mình ham nhà đất giá rẻ, ít tiền và muốn có nơi an cư nên chọn nhà giá rẻ. Nào ngờ, khi dọn về được vài tháng thì hối hận bởi chỉ có mỗi hợp đồng mua bán nhà bằng giấy tay, chất lượng thì quá tệ, liên lạc với người bán nhà thì họ bảo đã giao nhà nên không có thẩm quyền giải quyết”, chị Hoa than thở.

Dự án ảo

Trường hợp của L.T.Q lại bi đát hơn. Sau khi đọc được thông tin rao bán đất nền tại khu vực quận 9 (TP.HCM), anh bốc máy gọi cho "cò đất" có tên Chuẩn. Anh này nói “công ty mình làm có trụ sở tại quận 10, Công ty địa ốc Kim Phát” và hẹn anh Q., ngày cuối tuần đi xem đất nhưng khi lên xe, nhân viên này giải thích đất ở khu vực quận 9 khá đắt đỏ nên đoàn xe chuyển hướng xuống thành phố Biên Hòa (Đồng Nai).

Ngôi nhà chung vách khiến chị Hoa đau đầu vì vướng tranh chấp kiện tụng.

Song kỳ thực, đến nơi đây, anh mới biết khu đất thuộc xã Đồi 61, huyện Trảng Bom, Đồng Nai cách Sài Gòn hơn 60km. Dự án này được ghi là “Diamond City”. Tuy nhiên, do được hứa hẹn nhận chiết khấu cao và bốc thăm trúng thưởng, anh Q. đã đặt cọc 50 triệu đồng để mua dự án đất nền “Diamond City”.

Sau khi về nhà, anh Q., dò hỏi thông tin, tra mạng Internet dự án đất nền mình vừa mua xong thì tá hỏa mới phát hiện đó là dự án ảo. Anh Q., gọi điện thoại cho nhân viên địa ốc Kim Phát đòi lại tiền cọc thì nhân viên này trả lời “đặt cọc rồi không đòi lại được”. Tiếp tục, anh Q. nhờ người hỏi giúp thông tin từ Sở Tài Nguyên Môi Trường tỉnh Đồng Nai và anh được biết không có bất cứ dự án nào “Diamond City” tại xã Đồi 61, huyện Trảng Bom Đồng Nai.

Cũng từ bảng quảng cáo trên đường, anh Hà Anh Tú (ngụ Thủ Đức) gom góp được gần 500 triệu đồng, mua mảnh đất ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. Sau khi gặp bên bán, anh Tú đặt cọc 300 triệu, được chủ đất hẹn 2 tháng sau sẽ ra sổ đỏ và hoàn thành số tiền còn lại đồng thời bao luôn giấy phép xây dựng.

Chờ hết tháng, anh Tú hỏi sổ đỏ thì chủ đất trốn tránh trách nhiệm, hẹn tới hẹn lui. Nóng ruột, anh Tú lên huyện tìm hiểu mới phát hiện thửa đất mình mua không đủ điều kiện để cấp sổ xây dựng, anh Tú đòi lại tiền thì chủ đất không chiu trả.

Nhiều dự án ảo khiến khách hàng mất trắng số tiền đặt cọc trước .

Nhiều khách hàng ham rẻ nên mất trắng và có nguy cơ phải đập nhà do xây dựng trái phép. Chị H. ngụ quận Thủ Đức “than thở”, chị mua mảnh đất 50m2 tại phượng Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức với giá gần 1 tỷ đồng viết giấy tay.

“Chủ đất nói tôi đưa 80%, sau khi làm giấy tờ sẽ đưa hết số tiền còn lại. Trong khi chờ chủ đất làm giấy sang sổ, chị H., làm thủ tục xây dựng căn nhà thì mới biết mình mua nằm trong khu quy hoạch. Chị tìm người bán thì họ đã cao chạy xa bay.

Theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, việc chủ đầu tư nhà đất ở vùng ven phân lô bán nền khi chưa đủ pháp lý là tình trạng có thật. Nhà đất giá rẻ quảng cáo rầm rộ là một phần đánh vào tâm lý khách hàng, thu hút người có thu nhập thấp.Nhưng ông Châu khuyên mọi người nên cẩn thận để tránh mất tiền oan.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News