Có một thực trạng từng tồn tại trong nhiều năm ở các khu công nghệ cao (KCNC) là chỉ lấy cỏ nuôi bò. Tất cả đều do những rào cản về cơ chế. Thế nhưng với những nỗ lực của Chính phủ gần đây, các KCNC đã dần được tháo bỏ những rào cản ấy, dần lấy đà để cất cánh trong thời gian tới. Cụ thể ngày 21.9 tới đây, dự án có tổng vốn lên tới 5.000 tỉ của Hanwha (Hàn Quốc) sẽ được khởi công. Song vẫn còn đó những vướng mắc để những KCNC trở thành “thung lũng silicon” dẫn dắt công nghệ Việt tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) thành lập đã 20 năm nhưng đến nay phần lớn diện tích trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân. Ảnh: HUYÊN NGUYỄN
|
Dự án KCNC Hoà Lạc: 20 năm “lấy đà”, 13 năm nữa có “cất được cánh”?
“20 tuổi vẫn còn bú sữa” là câu ví von của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến làm việc với lãnh đạo các bộ ngành, BQL KCNC Hòa Lạc hồi tháng 2 vừa qua khi một dự án trọng điểm như vậy lại “giải phóng mặt bằng (GPMB) mãi không xong”.
Theo báo cáo của BQL Dự án, tính đến tháng 7.2017, tổng diện tích mặt bằng Dự án đã nhận bàn giao là 1.343ha/1.586ha, mới có 12.000 người đang làm việc và học tập trong khi dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 229.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 99.300 người. Hiện còn hơn 200ha cần được bồi thường và GPMB.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ GPMB là do cơ chế, chính sách bồi thường GPMB từ khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Mặt khác, tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép cũng khiến quá trình bồi thường, GPMB bị chậm lại. Đến thời điểm này mặt bằng đã giải phóng cơ bản đáp ứng được nhu cầu về đầu tư của nhà đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật triển khai qua nhiều giai đoạn, nguồn vốn hạn chế nên thiếu đồng bộ, không đáp ứng nhu cầu thu hút các nhà đầu tư. Các đơn vị đã đầu tư vào đây cũng than tình trạng hạ tầng yếu kém.
Đơn cử như Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam từng phản ánh, đơn vị này có 3 dự án đầu tư tại đây (trong đó có Trung tâm Vũ trụ với số vốn 600 triệu USD), nhưng đến việc cấp điện cũng thiếu ổn định nên không dám đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sản xuất. Đại diện Tập đoàn FPT cho biết mỗi năm phải dành khoảng 30 tỉ đồng để thuê xe buýt vận chuyển người lao động đến đây làm việc. Các hạ tầng như bệnh viện, nhà ở, giao thông, các thiết chế văn hoá... chưa thực sự bảo đảm sinh hoạt, đời sống.
Ngoài ra, BQL Dự án xác định, cơ chế chính sách, ưu đãi trong đầu tư dành cho KCNC những năm qua chưa theo kịp với mục tiêu phát triển, các văn bản pháp lý liên quan còn chồng chéo.
Ghi nhận thực tế của PV Báo Lao Động cho thấy, KCNC Hòa Lạc hiện nay vẫn là thành phố thu nhỏ chưa thực sự hội nhập với khu dân cư phát triển. Bên cạnh các khu vực đã đưa vào hoạt động thì nhiều nơi vẫn là ngổn ngang công trường xây dựng và những bãi đất hoang, thậm chí trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân, đường sá đi lại vẫn chưa hoàn thiện.
Nhìn lại lịch sử của KCNC Hòa Lạc sẽ thấy, việc thu hút đầu tư vào đây chưa bao giờ sôi động. Trong 20 năm qua, BQL mới thu hút được 81 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 66.174 tỉ đồng trên diện tích 358ha (chiếm 25% diện tích KCNC), trong đó có 36 dự án đang hoạt động với trên 12.000 người đang làm việc và học tập. Một con số khá khiêm tốn so với một KCNC tầm cỡ quốc gia.
KCNC Đà Nẵng: Cỏ vẫn mọc trên đất vàng
KCNC Đà Nẵng mặc dù có nhiều lợi thế tuy nhiên đến nay vẫn phát triển khiêm tốn bởi gặp khó khăn trong thu hút đầu tư. Ảnh: THUỲ TRANG
|
Là KCNC đầu tiên của miền Trung, KCNC Đà Nẵng được xem là “mảnh đất vàng” bởi hội tụ nhiều lợi thế. Việc được đặt tại TP.Đà Nẵng, nơi có vị trí chiến lược về phát triển mọi lĩnh vực cùng với môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống tốt là một trong những lợi thế khó có nơi này đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, KCNC Đà Nẵng còn có vị trí hết sức thuận lợi cả về đường hàng không, đường thủy, đường bộ, đường sắt. Hệ thống giao thông từ KCNC này đến cảng biển, sân bay đều rất thuận lợi giúp giảm chi phí cho nhà đầu tư.
Không dừng lại ở đó, tại KCNC Đà Nẵng, ngoài các chính sách ưu đãi chung của trung ương về thuế, về miễn giảm tiền sử dụng đất, thành phố còn có những chính sách ưu đãi riêng và chính sách hỗ trợ thuộc diện tốt nhất đối với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thực tế đến nay, mặc dù KCNC Đà Nẵng đã hoàn thành 90% giai đoạn 1, tương đương với khoảng 300ha đất đầy đủ hạ tầng sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư. Vậy nhưng, hiện chỉ mới có hai dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn 366 tỉ đồng. Thông tin từ UBND TP.Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2017, Đà Nẵng đã thu hút được 7 dự án vào KCNC, tổng vốn đầu tư 158 triệu USD. Đây được xem là tín hiệu vui mừng, tuy nhiên nếu so sánh với tiềm lực của mảnh đất này thì đây vẫn là con số còn quá khiêm tốn với tầm vóc của một KCNC tại khu vực miền Trung.
Trao đổi về vấn đề này, Ban quản lý KCNC nhìn nhận, việc một số hạng mục hạ tầng thiết yếu trong KCNC chưa được hoàn thiện như nhà máy xử lý nước thải tập trung cũng như việc ngành công nghiệp hỗ trợ ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung chưa phát triển là những nguyên nhân khiến KCNC Đà Nẵng vẫn phát triển quá khiêm tốn.
Riêng về chính sách ưu đãi đầu tư, mặc dù có khác biệt so với các nơi khác nhưng nhìn chung vẫn còn dàn trải, chưa có sự phân biệt giữa các dự án bình thường và các dự án có quy mô vốn lớn hoặc dự án có công nghệ vượt trội, dự án có tỉ lệ R&D cao, do đó KCNC gặp khó khăn trong việc thu hút các dự án lớn.
Một nguyên nhân khác nữa là Đà Nẵng chưa có các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ khởi nghiệp cũng chỉ mới được thành lập, nên KCNC gặp khó khăn trong việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, ươm tạo công nghệ cũng như ươm tạo doanh nghiệp CNC.
Đi tìm cơ chế chính sách đặc thù
Bộ Khoa học và Công nghệ đã dự thảo đề xuất với Chính phủ cơ chế đặc thù dành riêng cho KCNC Hòa Lạc. Ngày 20.6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP tháo gỡ nhiều vướng mắc và đề ra nhiều chính sách đặc biệt cho thu hút đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính...
Đây cũng là động lực, khuyến khích các nhà đầu tư lớn tham gia đầu tư tại KCNC Hòa Lạc. Chính vì thế, từ đầu năm tới nay, BQL đã thu hút được ba dự án đầu tư. Theo đại diện BQL, về số lượng thì ít nhưng chất lượng được đánh giá khá tốt. Trong đó, có một doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư dự án trên 9ha với 200 triệu USD và dự kiến đến năm 2021 sẽ mở rộng đầu tư lên 260 triệu USD. Ngày 21.9, Cty này sẽ chính thức khởi công xây dựng Dự án sau hai tháng được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ngoài ra, hiện BQL đang xúc tiến, đàm phán để thu hút một dự án đầu tư hơn 500 triệu USD của Nhật Bản và một số dự án đầu tư công nghệ cao có quy mô lớn của các doanh nghiệp/tập đoàn trong nước.
Trong khi đó, Đà Nẵng cũng đang có những nỗ lực xin cơ chế đặc thù. Tại hội thảo “Định hướng chiến lược phát triển KCNC Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” được tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, nhiều chuyên gia và các cấp quản lý nhìn nhận, một trong những hạn chế lớn nhất của KCNC Đà Nẵng hiện tại là hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), ươm tạo công nghệ cao hầu như chưa có, trong khi đây là chức năng được ưu tiên hàng đầu trong số 5 chức năng của KCNC Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, hiện Đà Nẵng vẫn chưa có quy định chính thức về tiêu chuẩn các dự án đầu tư vào KCNC. Trưởng BQL KCNC Đà Nẵng, ông Phùng Tấn Viết đặt vấn đề, nhiều địa phương đang xin được cấp cơ chế đặc thù cho các khu kinh tế, các KCNC và Đà Nẵng cũng cần tính toán đến điều này để có bước nhảy vọt.
“Ban Quản lý sẽ xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, trong đó có ưu đãi về vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và chính sách ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư để tập trung thu hút đầu tư vào KCNC. Riêng về công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào KCNC, tháng 10 tới đây, để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, BQLKCNC đang tích cực chuẩn bị cho công tác tổ chức Hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao diễn ra cùng sự kiện Diễn đàn Đầu tư 2017 của thành phố Đà Nẵng với sự tham dự của 600 hiệp hội, doanh nghiệp trên thế giới” - đại diện BQL cho hay.
Tháo “nút thắt” để Đại học QGHN tại Hòa Lạc thành đô thị Đại học
Ngày 12.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới Khu CNC Hòa Lạc để kiểm tra tiến độ xây dựng dự án ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Đây là dự án được triển khai từ 2003 nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐHQGHN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chuyển giao Ban Quản lý dự án từ Bộ Xây dựng về ĐHQGHN, chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP.Hà Nội trong việc giải phóng mặt bằng và tái định cư. Ông cũng mong muốn Hà Nội xem xét xây dựng một số công trình công cộng tại Hòa Lạc, làm thủ tục giao quyền sử dụng đất tại diện tích đã giải phóng mặt bằng, đồng thời kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế đặc biệt cho dự án như chính sách đối với Khu CNC Hòa Lạc.
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đồng thời giao Bộ Xây dựng tiến hành chuyển giao Ban Quản lý dự án và ủy quyền đầu tư cho ĐHQGHN. Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố Hà Nội và các bộ, ngành khẩn trương phối hợp giải phóng mặt bằng khu vực ĐHQGHN tại Hòa Lạc để sớm triển khai xây dựng để có một khu đô thị đại học thành hiện thực.
Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến cho rằng việc để ĐHQGHN làm chủ đầu tư và quản lý dự án cần phải tính toán kỹ bởi việc quan trọng nhất của một trường Đại học là giảng dạy chứ không phải là làm chủ đầu tư một dự án hàng chục ngàn tỉ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: