Top

Đê Hữu Hồng “oằn mình” cõng xe chở cát

Cập nhật 14/05/2009 15:25

Khi mùa mưa lũ đang đến, 8km tuyến đê Hữu Hồng qua địa phận một số xã thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội vẫn đang ngày đêm phải oằn mình gánh một lưu lượng xe tải trọng lớn chở vật liệu...

Ùn tắc, TNGT, ô nhiễm môi trường...


Đó là tình trạng hiện nay tại tuyến đường đê Hữu Hồng, còn gọi là tuyến đường 23, qua các xã Đông Ngạc, Thụy Phương, Liên Mạc và Thượng Cát, huyện Từ Liêm, dài 8km. Tuyến đường đê này được biết đến với kè Thụy Phương, cảng Chèm, cảng Liên Mạc, cống Liên Mạc... và một số cửa khẩu ven đê là những điểm trung chuyển cát, đá sỏi lớn của thành phố Hà Nội. Trung bình mỗi ngày trên 8km của tuyến đê này có gần 10.000 lượt xe ôtô chở vật liệu rời (cát, đá sỏi...) chạy vào các cảng, cửa khẩu tại đây để lấy hàng.

Tình trạng bụi cát, khói xe... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở những khu vực xung quanh tuyến đê này đã đến mức báo động. Trưa ngày 12-5-2009, khi có mặt tại ngã ba Chèm - Đông Ngạc - Cổ Nhuế và lối ra vào cảng Chèm, thuộc địa bàn xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, chúng tôi được chứng kiến hàng chục chiếc xe ôtô trọng tải lớn từ hướng đường Đông Ngạc, Cổ Nhuế và những chiếc xe tải chở cát, sỏi từ trong cảng Chèm đang tranh nhau ra vào tại cửa cảng nhỏ này đã gây ùn tắc giao thông tại đây.

Xe đỗ thành hàng trên đường, xả khói bụi mù mịt vào người đi đường, vào nhà dân. Nhiều lái xe bị chờ lâu, bóp còi inh ỏi. Tiếng còi hơi nghe đinh tai nhức óc, mặc dù gần đó có tấm biển cấm các xe tải không được bóp còi...

Bà Nguyễn Thị Côi, nhà ở sát ngã ba Chèm - Đông Ngạc - Thụy Phương cho biết, ngày nào ở đây cũng xảy ra tình trạng như trên. Không chỉ riêng gia đình bà Côi, mà nhiều người dân tại khu vực xã Thụy Phương cũng không khỏi bức xúc vì từ nhiều năm nay họ thường xuyên phải sống trong tình trạng bụi mù vì cát, khói xe, còi xe gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn... và tình trạng này ngày càng gia tăng.

Cũng trong buổi sáng 12-5, tình trạng ùn tắc cũng xảy ra tại điểm vận chuyển cát ở cửa khẩu Bến Bạc, thuộc xã Đông Ngạc, mà nguyên nhân là do các xe tải tranh nhau đường đi... Chỉ đến khi lực lượng Thanh tra GTVT có mặt tại hiện trường thì tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu này mới chấm dứt.

Điều đáng nói là trọng tải cho phép của tuyến đường đê Hữu Hồng chạy qua địa bàn các xã trên chỉ có 13 tấn, nhưng mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe ôtô với trọng tải trên 20 tấn, thậm chí nhiều xe có trọng tải đến 50 tấn chở cát chạy qua. Số lượng xe ngày càng tăng, xe chở quá trọng tải ngày càng lớn, do vậy nhiều đoạn mặt đê, đường ra vào một số cửa khẩu của tuyến đê này luôn trong tình trạng bị vỡ nát, ùn tắc và TNGT thường xuyên xảy ra...

Biển cấm nơi có, nơi không


Khi chỉ còn ít ngày nữa là vào mùa mưa lũ, theo thường lệ thì các cảng, cửa khẩu ven sông Hồng - điểm trung chuyển cát, đá sỏi... sẽ bị ngập, không còn bãi để tập kết hàng. Nên không chỉ các doanh nghiệp tại các cảng, cửa khẩu ven sông tranh thủ giải phóng hàng, mà các doanh nghiệp vận chuyển cũng chớp thời cơ này để chuyên chở cát, đá sỏi về các công trình xây dựng trước mùa mưa bão.

Chính vì vậy, vào những ngày này ở tuyến đê Hữu Hồng, thuộc địa phận huyện Từ Liêm số lượng xe ôtô có tải trọng lớn chở vật liệu rời đã tăng đột biến, các xe đua nhau tăng chuyến, chạy suốt ngày đêm, khiến con đường đê vốn đã quá tải càng phải oằn mình gánh chịu thêm lượng xe tải lớn nữa. Nhiều đoạn đê mặt đường đã bị hỏng, ảnh hưởng đến sự an toàn của thân đê...

Hiện tại, khi lực lượng Công an và Thanh tra GTVT tiến hành kiểm tra, xử lý các xe ôtô quá tải (chở cát) chạy từ tuyến đê Hữu Hồng (thuộc địa bàn huyện Từ Liêm) sang các công trình xây dựng phía Tây thành phố, thì các lái xe này điện thoại báo cho nhau biết để đối phó, chuyển hướng chạy sang tuyến đê Hữu Hồng (thuộc địa phận của huyện Đan Phượng, Hà Nội đến dốc Kẻ) mà không bị xử lý. Nguyên nhân do đoạn này không có một tấm biển hạn chế trọng tải nào cắm trên đường, nên lực lượng làm nhiệm vụ không thể kiểm tra, xử lý đối với các lái xe chở cát trên...

Để bảo đảm an toàn của tuyến đê Hữu Hồng qua địa phận huyện Từ Liêm khi vào mùa mưa lũ, tháng 4-2009, huyện Từ Liêm đã có công văn đề nghị Sở GTVT Hà Nội cần cắm biển hạn chế trọng tải xe 13 tấn tại 12 cửa khẩu, bến cảng (điểm trung chuyển cát, đá sỏi) theo hướng ra đê Hữu Hồng.

Cùng với đó, là cắm bổ sung thêm biển hạn chế trọng tải 13 tấn tại điếm Thượng Cát theo hướng từ huyện Đan Phượng đến dốc Kẻ, huyện Từ Liêm. Đó là cơ sở tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng của huyện Từ Liêm và thành phố khi tiến hành kiểm tra, xử lý các phương tiện quá trọng tải chạy trên tuyến đê Hữu Hồng, gây ảnh hưởng đến sự an toàn của con đê.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô