Sự an toàn cầu Đuống được phía Cảnh sát giao thông (CSGT) cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng không hiểu lý do gì, đến lúc nứt toác mặt đường, chân cầu run bần bật, các cơ quan chức năng mới ráo riết vào cuộc.
Toàn mạng đường sắt có khoảng 400 cầu yếu
Sau khi Tiền Phong thông tin về biển phân luồng cầu Đuống như đi vào mê cung, ngày 13/5, Trung tá Nguyễn Hữu Tâm-Đội trưởng CSGT số 5 (CA TPHN), cho biết thêm:
"Cầu Đuống rung bần bật từ nhiều năm trước. Cách đây hai năm, Đội CSGT số 5 đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, cảnh báo về cây cầu yếu này. Hoàn cảnh cây cầu này như thời chiến tranh. Ngay sáng 13/5; các xe tải, xe container lại gây ùn tắc và tranh cãi với CSGT vì biển báo của Khu Quản lý Đường bộ II cắm".
Từ thông tin của trung tá Tâm, chiều 13/5, PV Tiền Phong liên lạc với đơn vị quản lý cây cầu đường sắt này. Cục phó Đường sắt Việt Nam Nguyễn Văn Doanh cho biết:
"Theo kế hoạch từ trước thì quý bốn năm nay sẽ khởi công đại tu cầu Đuống. Từ năm 2008, khâu chuẩn bị đầu tư đại tu cho cầu Đuống đã được chuẩn bị. Tổng Cty Đường sắt VN là chủ đầu tư công trình này. Ban Quản lý Cơ sở hạ tầng-đại diện chủ đầu tư đã thuê Cty Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Đường sắt khảo sát. Quá trình khảo sát bị trễ so với kế hoạch".
Theo ông Doanh, tới thời điểm hiện nay, vẫn chưa có dự toán đại tu cầu Đuống. Cũng Cục Đường sắt cho biết, không riêng gì cầu Đuống, trong toàn mạng đường sắt có gần 400 cầu đường sắt (dưới 50 m) đang bị yếu, cần đại tu.
Cắm lại biển phân luồng vào mê cung
Liên quan tới việc cắm biển báo phân luồng như dẫn vào mê cung, chiều 13/5, trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Cường (Tổng GĐ Khu Quản lý Đường bộ II thuộc Cục Đường bộ Việt Nam-đơn vị được Bộ GTVT giao việc phân luồng), nói:
"Cầu Đuống thuộc bên đường sắt quản lý, đường thì thuộc địa bàn Sở GTVT Hà Nội". Khi PV Tiền Phong hỏi rằng, nhiệm vụ cắm biển hướng dẫn phân luồng Bộ GTVT đã giao cho Cục Đường bộ Việt Nam, vậy cắm biển loằng ngoằng như vậy có sửa lại hay không. Ông Cường nói đang trên đường đi công tác, còn biển cắm chưa rõ thì chỉ đạo để cắm lại.
Mới có một cây cầu đường sắt yếu (trong tổng số gần 400 cầu yếu) thôi mà các cơ quan chức năng đã tỏ lúng túng, trong khi chỉ đạo phân công công việc của Bộ GTVT đã rõ (như Tiền Phong đã đăng).
Cũng cần nhắc lại thông tin mà Tiền Phong đã đưa theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, cả nước có hơn 700 cây cầu yếu đường bộ. Nếu tính cả đường sắt, lẫn đường bộ, cả nước có khoảng hơn một nghìn cầu yếu.
Hơn một nghìn cây cầu này, có nhiều cây cũng đang rung bần bật như cầu Đuống mỗi khi có phương tiện lưu thông qua.
Hôm nay (14/5), Bộ GTVT sẽ tổ chức họp bàn giải pháp khắc phục tình trạng cầu Đuống.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: