Top

Để hồi sinh các dự án bất động sản lớn

Cập nhật 02/12/2016 14:31

Mới đây, UBND TP.HCM báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương bổ sung dự án sân golf Cần Giờ 36 lỗ tại khu vực ven biển ở xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) vào danh mục quy hoạch các sân golf đến năm 2020.

Hiện trường dự án Khu đô thị Cần Giờ 600ha. Ảnh: QH

Hạng mục này nhằm phát triển du lịch và tăng quỹ đất thể thao, vui chơi giải trí cho khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ quy mô 600ha. Ý tưởng về dự án tuy đã có từ cách đây hơn 2 thập niên và năm 2007 đã khởi công nhưng sau đó do suy thoái kinh tế cộng với thị trường bất động sản đóng băng khiến bị đình trệ trong thời gian dài. Mãi đến năm 2015, dự án mới tái khởi động khi Vingroup đề xuất tham gia.

Khu đô thị 600ha này đã san lấp được hơn 15ha, dự kiến quý II/2017 sẽ khởi công xây dựng, bao gồm khu du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại, căn hộ...

Nói về tiềm năng, Cần Giờ có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, bởi đây là một trong 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận, lại có bờ biển dài, nhưng muốn "cất cánh", vấn đề hạ tầng phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, Vingroup đã đề xuất đầu tư xây dựng cầu Bình Khánh nối liền Cần Giờ với quận 7 đồng thời nâng cấp tuyến đường Rừng Sác.

Cũng giống như khu đô thị Tây Bắc, gần đây, một trong những dự án FDI có quy mô vốn lớn nhất TP.HCM năm 2008 (3,5 tỷ USD) đã cho thấy không mấy lạc quan.

Tháng 8/2016, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát dự án khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT) và tìm hướng giải quyết theo phương án hoặc tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư là Tập đoàn Berjaya (Malaysia) bằng cách thu hẹp quy mô, hoặc chấm dứt, thu hồi giấy phép đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư vẫn không đủ khả năng triển khai dự án.

Theo thiết kế, bên cạnh 100ha sử dụng để phát triển trung tâm đào tạo đại học hiện đại khu vực Đông Nam Á, trường học các cấp, dự án còn có nhiều hạng mục khác như khu thương mại, trung tâm y tế, hành chính, nhà ở... Nhưng để những khu đô thị lớn ở Tây Bắc sớm hình thành cần phải có hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh.

Bên cạnh những dự án lớn ở vùng ven, một số dự án khu vực trung tâm cũng đang được UBND Thành phố thúc đẩy nhanh tiến độ. Chẳng hạn, với Trung tâm Tài chính Việt Nam tại quận 10 (cấp phép từ năm 2008) cũng do Berjaya làm chủ đầu tư, sau nhiều năm đứng yên, đến tháng 10 vừa rồi, Tập đoàn Vinci Construction (Pháp) đã đề xuất được cùng Berjaya tiếp tục dự án, trong đó, Vinci sẽ hỗ trợ về thiết kế, tìm kiếm đối tác đầu tư.

Thêm nữa, trong những cuộc họp kinh tế - xã hội gần đây, lãnh đạo UBND TP.HCM đã yêu cầu các sở, ngành lẫn đơn vị đầu tư rà soát và tìm hướng ra cho dự án cao ốc M&C Tower ở góc đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) cùng hàng chục dự án nằm trên "đất vàng" khác ở khu vực trung tâm.

Bởi việc để dự án trì trệ, như trường hợp M&C Tower sẽ làm mất mỹ quan đô thị, tác động đến hình ảnh du lịch của thành phố và quan trọng là lãng phí tài nguyên về đất đai, tài chính, trong khi hiện nay đã không ít nhà đầu tư có năng lực trong nước lẫn nước ngoài bày tỏ ý định sẵn sàng bỏ vốn vào những "dự án vàng" này nếu có cơ chế hợp tác, đầu tư cụ thể.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSG