Nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi cách chọn chủ đầu tư, để doanh nghiệp chủ động đề xuất phương án thực hiện thay vì áp đặt chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc như lâu nay
“Tất cả giải pháp cải tạo chung cư cũ phải dựa trên sự hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư và phát triển xã hội, chỉnh trang đô thị. Không đạt được mục tiêu này, có 10 cái mộc của Nhà nước thì dự án cũng khó thực hiện” - ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhận xét tại buổi tọa đàm Giải pháp cải tạo chung cư cũ do Pháp Luật TP.HCM tổ chức.
Quá nhiều cái khó, nhà đầu tư ngó lơ
Giám đốc Sở Xây dựng cho hay toàn TP có 474 chung cư cũ, hư hỏng xây dựng trước năm 1975, đến nay đã tháo dỡ được 32 chung cư. Kế hoạch đặt ra trong năm năm tới phải tháo dỡ được ít nhất 50% số chung cư cũ hư hỏng còn lại. “Đó là một thách thức lớn cho chính quyền TP.HCM” - ông bày tỏ.
Phân tích nguyên nhân chương trình cải tạo chung cư cũ chậm tiến triển, ông Tuấn cho hay: Vướng mắc lớn nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tình trạng phổ biến là một bộ phận người dân không đồng ý với phương án bồi thường, dù số đông đã đồng thuận dẫn đến dự án bị chững lại. Chẳng hạn chung cư Cô Giang quận 1, chung cư 251 Hoàng Văn Thụ quận Tân Bình, chung cư 727 Trần Hưng Đạo quận 5…
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng thiếu quyết liệt khi thực hiện. “Nhiều nơi cứ gửi văn bản hỏi đi hỏi lại một vấn đề đã được trả lời rõ ràng trước đó. Tâm lý chung tại các quận, huyện là ngại đụng chạm đến quyền lợi người dân sẽ gây khiếu nại. Ngoài ra, thủ tục hành chính cũng là yếu tố gây ảnh hưởng đến chương trình, bởi một dự án trong trường hợp hoàn toàn suôn sẻ phải mất khoảng hai năm mới đủ điều kiện khởi công” - ông Tuấn bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình Châu Minh Hiếu cho biết quận này có 45 chung cư cũ hư hỏng, đa số căn hộ có diện tích 12-30 m2. Quận đã có kế hoạch cải tạo chín chung cư nhưng gặp khó khăn trong kêu gọi đầu tư. “Diện tích khu đất nhỏ, chi phí thực hiện cao (từ bồi thường đến tạm cư, tái định cư…) nên các doanh nghiệp không quan tâm” - ông bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thành Phương nói thêm: “Trong quận có một chủ đầu tư thực hiện đến bảy dự án. Toàn bộ đều là nhận chuyển nhượng mặt bằng từ các đơn vị đang sử dụng đất, không có dự án nào từ các chung cư cũ. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp rất ngại đụng đến loại dự án này”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm Giải pháp cải tạo chung cư cũ do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 11-6. Ảnh: HOÀNG GIANG
|
Hiện TP đang áp dụng số liệu cũ kỹ để duyệt chỉ tiêu dân số (khi tính dân số toàn TP chỉ có 8 triệu, trong khi thực tế phải trên 13 triệu người). Tôi kiến nghị phải tăng chỉ tiêu dân số, tức số căn hộ cho các dự án cải tạo chung cư cũ hư hỏng để đảm bảo tính khả thi, hấp dẫn của dự án và phù hợp thực tế.
Ngoài ra, TP phải có giải pháp tích cực hơn trong lựa chọn nhà đầu tư thì mới mong tạo được đột phá chỉnh trang đô thị. Bởi cơ chế hiện tại (theo Nghị định 101) là cho cư dân lựa chọn, nếu không được thì Nhà nước sẽ mời gọi đầu tư khiến khâu này mất rất nhiều thời gian. Theo tôi, dự án có nhiều nhà đầu tư hoặc chưa cấp thiết thì tổ chức đấu thầu. Còn trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký, có khả năng thu xếp vốn và phương án khả thi Nhà nước sẽ chỉ định.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: