Top

Chuyện mưu sinh của nghề môi giới bất động sản

Cập nhật 12/06/2016 06:50

Sau khi được pháp luật công nhận, ghi nhận tổ chức ngành nghề (Hội môi giới bất động sản Việt Nam), hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản đang biến chuyển theo hướng chuyên nghiệp và minh bạch hơn.

Khi thị trường phục hồi cả về lượng và chất, dân môi giới bất động sản cũng dễ “kiếm sống” bằng nhiều phương cách.

Quy định môi giới nhà đất phải tốt nghiệp đại học, cao đẳng sau đó đã không thành văn bản áp dụng, nhưng mới đây, lực lượng trung gian địa ốc bị áp dụng điều kiện phải có chứng chỉ hành nghề môi giới (từ 16/2). Tuy vậy, điều các môi giới quan tâm hàng đầu lúc này vẫn là lựa chọn dạng sản phẩm để khai thác.

Điều các môi giới bất động sản quan tâm nhất vẫn là lựa chọn sản phẩm để khai thác.

Càng non càng tốt

Thuật ngữ này nhằm ám chỉ cách lựa chọn dự án phân phối được truyền tai nhau trong chợ địa ốc. Cụ thể, theo tìm hiểu của PV tại một số trung tâm tư vấn, sàn giao dịch bất động sản khu vực Trung Hòa – Nam Trung Yên – Yên Hòa, thì các cá nhân hành nghề (nhân viên chính thức của sàn hoặc cộng tác viên) đều chủ yếu quan tâm tới các dự án nhà ở thương mại 'mới ra lò'.

Hiểu nôm na, đó là những dự án đã cơ bản hoàn thành pháp lý đầu tư (có giấy chứng nhận, phê duyệt dự án, hoàn thành nghĩa vụ tài chính với cơ quan thuế) và ưu tiên hàng đầu dự án sở hữu vị trí thuộc khu vực trung tâm Hà Nội.

Với những sàn không mạnh về tài chính và thiếu liên kết thì tiếp cận dự án kiểu này để mang 'hàng nét' về cho nhân viên là việc không dễ. Đơn cử, thời gian trước là HACC1 Complex, Diamond Flower Tower, 219 Trung Kính hay Artemis Lê Trọng Tấn, còn mới đây nhất là các dự án cao cấp ở phía Tây cung cấp dòng sản phẩm shophouse…

Thực chất, việc ưu tiên lựa chọn những dự án kiểu 'cấp tập làm móng – vội vã huy động tiền đặt chỗ' của dân môi giới được giải thích bởi xu hướng đầu tư mới hình thành vài tháng nay.

Đại để, những nhà đầu tư mới tham gia thị trường (chủ yếu dưới dạng nhóm) thường tìm tới các dự án có vị trí đắc địa, có thương hiệu chủ đầu tư mạnh, được đảm bảo tài chính dự án (có ngân hàng tài trợ hoặc bảo lãnh công khai trên phương tiện thông tin đại chúng).

“Đây cũng là kiểu kinh doanh, khai thác lợi nhuận từ…lúa non nhưng với dự án đã xây tới tầng cao, thì đầu tư rót tiền sẽ rất khó kỳ vọng sang nhượng có lãi. Bởi vào thời điểm đó, tất cả thông tin xoay quanh dự án như mức giá, tiến độ, các đơn vị tham gia phân phối chính thức đều đã rõ ràng. Nói cách khác, một khi lực đầu tư bão hòa thì dự án chỉ là sân chơi giữa chủ đầu tư và người mua ở thực” – bà Như Hà, PGĐ của một sàn giao dịch chuyên dự án cao cấp ở Nam Từ Liêm cho biết.

Ngoài ra, việc nhà đầu tư 'tránh' dự án đã xây cao/hoàn thiện bàn giao thô còn xuất phát từ thực tế nhiều công trình thời gian qua vi phạm pháp luật BĐS khi bàn giao cho khách hàng. Nếu 'trót' ôm sản phẩm ở những dự án dạng này, nhà đầu tư rất khó sang nhượng trong bối cảnh dự án gặp bất lợi, thậm chí gây sợ hãi cho người mua thực.

Những món hàng truyền thống

Nhiều môi giới tại các sàn giao dịch có tiếng trong thị phần phân phối Hà Nội đều muốn được giao bảng hàng sản phẩm của một số dự án thuộc dạng 'im hơi lặng tiếng' ở khu vực trung tâm.

Rõ nhất là các dự án như 109 Nguyễn Tuân, Sunrise City Lê Văn Lương hay số 1 Giáp Nhị (Eco Green Tower của liên danh Sông Đà 1.01 và Công ty CP Hóa chất). Tuy nhiên, cũng có một vài dòng sản phẩm thuộc dạng 'câu giầm' của các cá nhân môi giới ở bất cứ thời điểm nào của thị trường.

Theo chân Sơn (môi giới của một công ty nhà đất trụ sở tại quận Thanh Xuân), người viết bài mới hay cá nhân này không thiếu việc để làm. Chỉ trong một buổi chiều, Sơn đã dẫn 4 khách đi xem chung cư để thuê tại quận Đống Đa và 2 khách khác tìm hiểu nhà mẫu của một dự án ở khu vực đường Lê Văn Lương – Tố Hữu.

Kết quả Sơn gặt hái được là hai hợp đồng thuê nhà được ký kết và khách đầu tư dự án cũng đồng ý đặt cọc giữ chỗ. “Từ cuối quý I đến nay, tình hình thị trường đã khá lên trông thấy anh ạ. Khách thuê nhà đã chấp nhận mức giá phổ biến cao hơn mặt bằng trong năm 2015. Còn người mua chung cư cũng nhanh chóng xuống tiền để chốt giao dịch” – môi giới 34 tuổi này vui vẻ cho biết.

Tương tự, một môi giới khác tên Hà Mai (làm việc ở khu vực Hai Bà Trưng và Hoàng Mai) cũng tỏ rõ sự phấn khởi khi đạt doanh số cao trong 2 tháng trở lại đây. Dù mới gia nhập đội quân môi giới được chừng một năm, nhưng Mai đã có hàng chục hợp đồng được thực hiện thành công.

Được biết, Hà Mai chỉ chuyên mảng tư vấn về cho thuê chung cư trung cấp, bình dân và mới đây thì làm thêm cả mặt hàng chung cư mini. “Làm cho thuê dễ hơn và nhiều khách có tiềm năng hơn so với mảng bán căn hộ. Chưa kể, hầu hết khách hàng và chủ nhà dạng này cũng khá thoải mái trong việc chi trả hoa hồng dịch vụ tư vấn cho môi giới”, Mai chia sẻ.

Ngoài các mặt hàng thuộc dạng truyền thống nêu trên, dòng sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng và shophouse hiện cũng đang được nhiều nhà phân phối để tâm. Điều này phần nào thể hiện qua việc thời gian gần đây, nhiều thông tin tích cực về bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Ninh và Đà Nẵng liên tục phủ kín các phương tiện truyền thông đại chúng.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh