Top

Để cứu thị trường bất động sản

Cập nhật 25/07/2011 09:30


Một dự án căn hộ phía đông Sài Gòn đang được xây dựng - Ảnh: Mai Vọng
Thị trường (BĐS) tiếp tục trầm lắng bất chấp nỗ lực hậu mãi, giảm giá của chủ đầu tư.

Theo các công ty tư vấn bất động sản có uy tín trên thị trường như CBRE, Knight Frank VN, Savills VN, Colliers International VN..., tình hình này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Còn các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản thì cho rằng, để giải cứu thị trường thì nên nới lỏng tín dụng ở phân khúc nhà giá rẻ, nhà có thu nhập thấp....

Ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty CP phát triển hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (PPI) - cho rằng: Việc thắt chặt tín dụng cùng với lãi suất vay vốn ngân hàng quá cao là hai yếu tố ảnh hưởng đến thị trường BĐS hiện nay. Điều này kéo theo các dự án mới phải dừng triển khai, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ngành xây dựng.

Do vậy, cần xem xét lại việc coi BĐS là phi sản xuất. Chúng tôi rất tin tưởng sự khó khăn của thị trường BĐS hiện nay chỉ là ngắn hạn, bởi vì nhu cầu nhà ở vẫn đang tồn tại và phát triển. Trong giai đoạn khó khăn này, có thể thu hẹp phát triển phân khúc nhà cao cấp, còn nhà giá bình dân thì cần được khuyến khích đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành, thì: Thực trạng đang tồn đọng hơn 60.000 căn hộ tại TP.HCM trong khi có hàng triệu người đang "đói" căn hộ nguyên nhân là đa số căn hộ có giá trên 1 tỉ đồng, không có căn hộ dưới 500 triệu đồng. Cung thì dư thừa, cầu thì thiếu trầm trọng đó là nghịch lý khiến thị trường BĐS "chết đứng", trong khi người dân thì không có nhà. "Để giải quyết khó khăn trên, chúng tôi đề xuất cần cụ thể việc mở rộng cho vay mua nhà để ở, đó là cho vay dưới 500 triệu đồng/căn. Nếu tổng cộng khoảng 10.000 căn là 5.000 tỉ đồng, chỉ khoảng hơn 2% so với tổng dư nợ tín dụng BĐS 220.000 tỉ đồng, nhưng hiệu quả kinh tế và xã hội rất lớn.

Để thích nghi với tình hình khó khăn, hơn 70% doanh nghiệp đã giảm đơn giá từ 10-20% để thu hồi vốn hoặc lỗ ít. Nhưng giảm đơn giá vẫn chưa đủ, cần phải giảm diện tích vì hầu hết căn hộ đều từ 80m2 trở lên, để giá bán giảm thêm, sẽ có những căn hộ từ 400-500 triệu đồng. Đây là cách giải cứu thị trường".

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho rằng: “Trong tình hình thị trường đang trầm lắng như hiện nay, vẫn có phân khúc cứu vãn đó là những dự án căn hộ có giá từ khoảng 15 triệu đồng/m2 trở xuống. Chưa bao giờ thị trường BĐS lại có lợi cho người có nhu cầu mua nhà như hiện nay. Người mua nhà có thể dễ dàng lựa chọn căn hộ phù hợp, với giá cả hợp lý và phương thức thanh toán linh hoạt, lại có thêm chính sách khuyến mãi từ các doanh nghiệp BĐS.

Tuy nhiên, chính sách thắt chặt tín dụng và lãi suất vay quá cao đã gây khó khăn cho người mua nhà. Giải pháp tháo gỡ, theo tôi nên có lộ trình giảm dần lãi suất. Bên cạnh đó, cần có sự phân biệt loại BĐS nào cần được ủng hộ, nên ưu tiên cung cấp tín dụng cho nhà giá thấp và nhà ở xã hội. Các dự án nhà giá thấp từ 15 triệu đồng/m2 trở xuống cần được ủng hộ. Cũng nên tiếp tục cung cấp tín dụng đối với các dự án sắp hoàn thành (ví dự như đã đạt khoảng 80%), để chủ đầu tư hoàn thiện dự án. Không nên xem BĐS là ngành phi sản xuất, vì ngành này giải quyết việc làm cho rất nhiều người lao động (1m2 sàn xây dựng cần đến 17-20 công lao động), cũng là ngành sử dụng nhiều sản phẩm của các ngành công nghiệp khác như xi măng, sắt thép, vật liệu trang trí nội thất...”.

Giải pháp đã được nêu ra nhưng để thực hiện lại không hề đơn giản. CPI tháng 7 đã tăng trở lại. Lạm phát cả năm xấp xỉ 18 - 20% thì khó có thể giảm lãi suất, chưa thể kích cầu bất động sản dù ở bất kỳ phân khúc nào. Vì vậy, thị trường vẫn phải chờ những tín hiệu tiếp theo của nền kinh tế...

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên