Hiện nay, các đô thị đang bộc lộ nhiều thiếu hụt. Chất lượng đô thị chưa được nâng cao. Mới đây Bộ Xây dựng đã đề xuất bổ sung các thiếu hụt của đô thị ngay từ khi phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị...
Thiếu tiêu chí, điểm thấp
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù các địa phương chủ động thu hút nguồn lực để phát triển hạ tầng, khu dân cư, chỉnh trang nâng cao đời sống dân cư, song sau 7 năm, các tiêu chí phân loại đô thị đã bộc lộ nhiều thiếu hụt. Cụ thể, khi phân loại, xếp hạng đô thị, Bộ Xây dựng có châm chước cho một số địa phương chưa đạt đủ tiêu chí. Nhưng, sau khi đã được nâng loại, địa phương lại không chủ động đầu tư xây dựng, phát triển để đạt được những tiêu chí còn thiếu, vì vậy chất lượng đô thị chưa tương xứng với loại đô thị đã được công nhận. Ngay trong cách đánh giá các tiêu chí về công trình hạ tầng xã hội mới dừng ở mức xác định quy mô về diện tích, chức năng sử dụng đất mà chưa phản ánh được chất lượng phục vụ của các công trình này đối với cuộc sống dân cư đô thị.
Quy mô dân số là tiêu chí đánh giá về quy mô của đô thị và được quy định cụ thể cho từng loại đô thị, trên thực tế chưa đạt theo quy định (trừ hai thành phố loại đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) do nền kinh tế nước ta còn đang ở mức thấp, tiến trình CNH-HĐH chưa cao, tốc độ đô thị hóa cũng chưa đạt được như dự kiến.
Tương tự, mật độ dân số đô thị (là tiêu chí cho thấy rõ sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn), thực tế hầu như chưa đạt. Trong khi đó, kiến trúc cảnh quan đô thị, là một tiêu chuẩn để đánh giá về sự hài hòa, thẩm mỹ của không gian kiến trúc đô thị và mang bản sắc mỗi vùng miền khác nhau, lại chưa được quy định. Vấn đề ô nhiễm môi trường (như nước thải của các khu công nghiệp, nhà máy không được xử lý xả thẳng ra sông, hồ đã tạo nên những dòng sông, con hồ chết, đồng thời làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng) chưa được đánh giá một cách đầy đủ và lường hết những tác động xấu tới đời sống cư dân. Ví dụ rõ nhất cho sự phát triển thiếu bền vững là việc khu vực ngoại thành, trong thực tiễn phát triển đô thị giai đoạn vừa qua đã gặp phải không ít thách thức và nhiều nguy cơ đối với việc ổn định đời sống dân cư, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, sử dụng hợp lý quỹ đất nông nghiệp.
Cần sửa lại quy định để phát triển bền vững
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ bổ sung các thiếu hụt của đô thị ngay từ khi phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống. Chẳng hạn, các đô thị sẽ phải có chương trình phát triển để chính quyền các cấp cơ sở xác định các nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững và giữ gìn được những giá trị, bản sắc của mỗi đô thị.
Ngoài việc tăng mức tối thiểu quy mô dân số đô thị đặc biệt lên 5 triệu người, Bộ Xây dựng đề nghị quy định quy mô dân số khu vực ngoại thành, ngoại thị để chính quyền đô thị các cấp có cơ sở quan tâm chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các khu vực bên ngoài trung tâm đô thị; đồng thời nhằm hạn chế hiện tượng di dân tự phát và gây những áp lực về nhiều mặt đối với việc quản lý xã hội ở khu vực nội thành, nội thị. Tiêu chuẩn hạ tầng đô thị cũng được đánh giá với toàn bộ đô thị, gồm hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị. Các lĩnh vực này được quy định về nguyên tắc phải được đầu tư xây dựng đồng bộ, có một số lĩnh vực phải đạt tiêu chuẩn hoàn chỉnh, nhằm nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường sinh thái không chỉ của riêng đô thị mà cho các vùng và quốc gia.
Ngoài ra, để được nâng cấp hạng, đô thị phải có quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đã được đầu tư xây dựng về cơ bản đạt được các tiêu chí phân loại đô thị. Đồng thời, các địa phương phải có quy chế và thực hiện quy chế quản lý kiến trúc đô thị; phát triển các khu đô thị kiểu mẫu; phải có các không gian công cộng phục vụ cuộc sống tinh thần người dân, đồng thời đô thị phải có các tổ hợp kiến trúc, hoặc công trình kiến trúc tiêu biểu mang tầm cỡ quốc tế, khu vực và quốc gia. Khi công nhận loại đô thị, Bộ sẽ xem xét riêng từng mô hình khác nhau (như đô thị hiện hữu, đô thị có điều chỉnh địa giới) để bảo đảm cho sự phát triển lâu dài.
Sau 7 năm thực hiện việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị, cả nước đã có 150 đô thị từ loại 1 đến loại 5. Trong đó, hầu hết các trung tâm tỉnh lỵ đã được nâng loại đô thị và nâng cấp quản lý hành chính từ thị xã lên thành phố thuộc tỉnh; cùng với đó, nhiều điểm dân cư được đầu tư xây dựng trở thành các đô thị loại 5.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: