Top

Đẩy nhanh tiến trình hoàn thành tuyến đường sắt xuyên Á

Cập nhật 06/10/2009 10:40

Các đại biểu tham dự hội nghị đường sắt xuyên Á lần thứ 11 tại Hà Nội, ngày 5-10-2009. Ảnh: Thu Thủy
 

Ngày 5-10, hội nghị lần thứ 11 nhóm công tác đặc biệt tuyến đường sắt xuyên Á từ Singapore đến Côn Minh, Trung Quốc (SKRL) đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị sẽ bàn các biện pháp để hợp tác, cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến đã có của tuyến đường sắt xuyên Á cũng như thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng đoạn tuyến còn lại từ Phnompenh đến TPHCM.

Tuyến đường sắt xuyên Á sẽ liên kết đường sắt ở 7 quốc gia Đông Nam Á với đường sắt Trung Quốc và rộng hơn với mạng đường sắt Á - Âu. Hiện nay tuyến đường sắt này chỉ còn đoạn từ Phnompenh (Campuchia) đến TPHCM (Việt Nam) là chưa được nối thông.

Tham dự hội nghị có 8 quốc gia, gồm Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Singapore và 2 tổ chức quốc tế là Ban thư ký ASEAN và Ủy ban Kinh tế- Xã hội khu vực châu Á- Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP).

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, ông Lê Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Malaysia, ông Honourable Datuk Abdul Baki đồng chủ trì hội nghị.

Được biết, trước đó từ 16-7-2009, Trung Quốc đã giúp Campuchia lập nghiên cứu khả thi đoạn đường sắt từ Bat Deung - Trapeang - Sri nối với Việt Nam tại Lộc Ninh.

Về phía Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam và Liên danh Tập đoàn CMC-CRCC (Trung Quốc) đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến đường sắt từ Sài Gòn đến Lộc Ninh để có thể nối thông với Campuchia.

Theo báo cáo, tuyến đường sắt từ Sài Gòn đến Lộc Ninh nằm ở vị trí giữa hai hệ thống sông lớn là sông Sài Gòn và sông Bé thuộc lưu vực sông Sài Gòn - Mê Kông. Tổng chiều dài toàn tuyến là 128,5 km, điểm đầu từ ga Dĩ An (thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam), điểm cuối là ga Hoa Lư tiếp giáp biên giới Campuchia. Toàn tuyến có tổng cộng 13 ga, gồm Dĩ An, Phù Trung, Thủ Dầu Một, Chánh Lu, Bàu Bảng, Chơn Thành, Minh Hưng, Tân Khai, An Lư, Tân Phúc, Đồng Tâm, Lộc An, Hoa Lư.

Liên quan đến tuyến đường sắt xuyên Á, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã giúp Lào lập nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt từ Thà Kẹt đến Mụ Giạ để nối xuống Tân Ấp và cảng Vũng Áng ở Hà Tĩnh.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG