Top

Khu vực nông nghiệp, nông thôn:

"Đất vàng" vẫn yếu thế

Cập nhật 05/10/2009 10:30

Nhiều vùng đất bờ xôi ruộng mật còn chưa thể phát huy hết tiềm năng.

Đến thời điểm này, sau rất nhiều chiến lược, chính sách ở tầm vĩ mô, nông nghiệp, nông thôn vẫn là "khu vực hẻo lánh" đối với các dòng vốn đầu tư. Hiện Bộ Công thương lại xây dựng đề án "Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn"... Tuy nhiên, đến bao giờ khu vực được coi là "đất vàng" này mới thực sự được phát huy hiệu quả?

Rào cản

Trong cơ cấu đầu tư, khu vực nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ. Ngay nguồn đầu tư từ ngân sách, trong giai đoạn 2003-2007, khu vực này chỉ được "rót" 113 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư của Nhà nước, đáp ứng được... 17% nhu cầu. Trong khi doanh nghiệp (DN) trong nước ngại "đến" thì các nhà đầu tư nước ngoài cũng không mấy hào hứng: trong cơ cấu vốn FDI, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chỉ chiếm 10,7% (giai đoạn 1998-2008). Theo thống kê, năm 2008 Việt Nam đạt con số cao nhất về thu hút dòng vốn FDI với tổng vốn đăng ký hơn 64 tỷ USD nhưng lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ và... có xu hướng giảm, nhất là trong 3 năm gần đây. Quy mô của các dự án này cũng rất khiêm tốn, phần lớn là vừa và nhỏ (hầu hết là DN có mức vốn khoảng 2 triệu USD, thậm chí dưới 500.000 USD hoặc siêu nhỏ).

Có nhiều lý do để các nhà đầu tư "than", trước hết từ phía chính sách. "Thiên" không có "thời" mà "địa" cũng không "lợi" khi hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, bao gồm giao thông, điện nước… đang là một rào cản lớn. Trong khi đó, đầu tư vào khu vực này lại có quá nhiều rủi ro do phụ thuộc vào các yếu tố khách quan như dịch bệnh, thiên tai… Đã thế, DN "chịu" đầu tư lại rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

"Đất vàng"

Hầu như ngành phụ trợ nào phục vụ nông nghiệp - nông thôn - nông dân cũng đều đang bị bỏ ngỏ: cơ khí, công nghệ chế biến nông, lâm sản, hóa chất, điện... trong đó, cơ khí là ngành quan trọng nhất. Hiện cả nước có 1.300 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại máy kéo, 80 DN địa phương và cơ sở tư nhân tham gia chế tạo, lắp ráp thiết bị chế biến nông sản nhưng hầu hết đều lạc hậu, không bắt kịp yêu cầu sản xuất. Đáng chú ý, chưa có DN FDI nào trong lĩnh vực này.

Thứ hai, mặc dù là nước nông nghiệp, đồng thời là cường quốc gạo, mỗi năm tiêu thụ khoảng 50 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu (về chế biến). Cụ thể, sản xuất nội địa mới đạt khoảng 60% nhu cầu u-rê, chưa bảo đảm hoàn toàn nhu cầu phân lân nung chảy, NPK, ka-li...

Thứ ba, các ngành tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, bao gồm dệt may, da giày, chế biến nông sản thực phẩm... cũng là một "mảnh đất màu mỡ". Riêng ngành dệt may đã thu hút tới 50.000 lao động; ngành da giày là đầu ra cho 18.000 việc làm. Chưa hết, ưu điểm của những "cơ sở công nghiệp tại chỗ" này là giảm tỷ trọng hộ thuần nông, tăng tỷ trọng hộ vừa làm nông nghiệp, vừa làm công nghiệp và dịch vụ, tăng thu nhập cho người nông dân. Hiệu quả nhất có lẽ là các cơ sở thủ công nghiệp khi tạo việc làm cho khoảng 30% lực lượng lao động nông thôn...

Tầm nhìn lớn

Theo đề án của Bộ Công thương, năm 2015, ngành cơ khí phải đạt trình độ tiên tiến, năm 2020 trở thành ngành sản xuất có thế mạnh trong khu vực. Chẳng hạn, thiết bị chế biến gạo đáp ứng 100% nhu cầu nội địa, thiết bị chế biến cà phê đáp ứng 90% nhu cầu... Đề án cũng khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở dệt may nông thôn, sử dụng lao động ở các vùng nông thôn để may các sản phẩm trung bình làm vệ tinh cho các nhà máy lớn… Đáng chú ý, đề án sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm vào những ngành có lợi thế cạnh tranh và nguồn nguyên liệu dồi dào, cụ thể: năm 2010 không còn nhà máy xay xát cũ, lạc hậu; năm 2020 có 100% thiết bị và công nghệ hiện đại. Lĩnh vực chế biến rau, quả cũng được chú trọng đầu tư, nâng cấp, đổi mới công nghệ và xây dựng mới các nhà máy có quy mô phù hợp…

Cần một cơ chế thực tế hơn


Tiềm năng lớn, tầm nhìn xa nhưng rào cản còn nhiều, vì thế nhiều ý kiến cho rằng trước hết cần có các chính sách ưu tiên về đất đai, DN thuộc mọi thành phần kinh tế được tạo điều kiện thuận lợi để thuê, xây dựng cơ sở.

Trên thực tế, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thường gặp nhiều rủi ro, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên... Trong khi đầu tư toàn xã hội nói chung, DN trong nước và khối FDI nói riêng còn "né" khu vực này, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thiết thực (chứ không phải chỉ nặng hô hào, hình thức) đối với đầu tư cho nông thôn, nhất là lĩnh vực chế biến nông, lâm sản. Chẳng hạn, nhiều DN than thở thiếu vốn, "khát" chính sách hỗ trợ (lãi suất)... Về thuế, các DN cần "xin" được hưởng mức thuế ưu đãi, mức miễn giảm cao nhất... Dường như "lắng nghe và thấu hiểu", Bộ Công thương đã đề nghị nhiều ưu đãi về tài chính (trong đề án) khi cho rằng, Nhà nước cần có ưu đãi cụ thể, như bảo lãnh cho vay đến 80% tổng số vốn đầu tư vào các dự án đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nguyên liệu cho công nghiệp và chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, dệt may, da giày... Đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, có thể hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi giảm từ 1,5-2%/năm trong vòng 3 năm đầu.

Không chỉ DN mà nông dân cũng cần được trợ giúp. Các hộ nông dân, cũng như DN chế biến nông, lâm sản cần vay vốn từ các chương trình hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi… để sản xuất nguyên liệu. Trong trường hợp rủi ro, họ nên được vay vốn với lãi suất ưu đãi để khôi phục sản xuất. Mặt khác, Nhà nước cần hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hội chợ, phát triển nguồn nguyên liệu, quản lý, khoa học công nghệ...

Vậy là chủ trương, đường lối đã tạm định hình nhưng dường như vẫn còn nhiều rào cản, trong đó nhiều rào cản nằm ngay ở... thủ tục hành chính.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới