Top

Đầu tư đất kẹt: Rủi ro lớn

Cập nhật 29/04/2011 10:10

Với cái giá khá hấp dẫn từ 6 triệu đến 15 triệu/m2, khoảng 2 năm trở lại đây những mảnh đất kẹt (đất nông nghiệp, đất rau xanh chưa có sổ đỏ xen kẽ giữa các khu dân cư) đã trở thành món hời, thu hút rất nhiều nhà đầu tư bất động sản. Thế nhưng, theo một số chuyên gia bất động sản, đầu tư đất kẹt lợi nhuận nhiều, nhưng rủi ro cũng rất lớn.

Đầu tư đất kẹt lợi nhuận nhiều, nhưng rủi ro cũng rất lớn

Kinh doanh đất kẹt - siêu lợi nhuận

Khoảng 2 năm trở lại đây, những mảnh đất kẹt tại các khu vực Hà Đông, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Nhật Tân... đã được không chỉ giới đầu tư bất động sản săn tìm, mà rất nhiều người có dư chút vốn liếng tìm mua.

Với cái giá khá hấp dẫn, một mảnh đất kẹt 100m2, số tiền đầu tư chỉ cỡ từ 600 triệu đến khoảng 1 tỷ đồng, còn khi mảnh đất đó được nhà đầu tư chuyển đổi thành đất có sổ đỏ rồi bán lại thì lợi nhuận đạt được “rất khủng”.

Nguyễn Hoa, nhân viên một văn phòng bất động sản tại Hà Nội bật mí, khoảng hơn 1 năm trước, khi được người quen giới thiệu mua mảnh đất kẹt tại Hà Đông với giá 300 triệu đồng/100m2. Chỉ một tờ giấy mua bán viết tay, không có chứng nhận của phường, không có thứ sổ xanh, sổ đỏ nào, người quen cho rằng Hoa quá liều. Nhưng là dân trong nghề, nhờ mối quen biết, Hoa đã chuyển đổi được thành công 100m2 đất nông nghiệp thành đất có sổ đỏ với một khoản chi phí cũng khá “đầm tay”. Ngay lập tức cô đã bán lại với giá 25 triệu/m2, lãi suất tăng gấp gần chục lần. Có vốn, cô tiếp tục săn tìm những mảnh đất kẹt.

Rủi ro lớn


Những hoạt động giao dịch như thế được một số chuyên gia bất động sản cho rằng, nếu thành công lợi nhuận rất lớn, nhưng bên cạnh đó, rủi ro cũng không nhỏ.

Nhiều nhà đầu tư đã phải trắng tay khi đất kẹt không thể chuyển đổi được vì là đất nông nghiệp nằm trong diện phải thu hồi mà khi mua, việc xác định mảnh đất đó có vào quy hoạch hay không thì lại không hề đơn giản.

Theo các chuyên gia bất động sản, việc quy hoạch tại các khu vực đất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội không được công bố rõ ràng, và kể cả khi có quy hoạch rồi vẫn thay đổi. Các nhà đầu tư không nên quá mạo hiểm với những mảnh đất mua theo kiểu giấy tờ viết tay, không có xác nhận của chính quyền, bởi chính những người bán nhiều khi cũng không nắm được thông tin mảnh đất mình đang sử dụng để cung cấp cho người mua.

GS.TS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng khuyến cáo, hiện nay, điểm yếu của thị trường nhà đất Việt Nam là luôn chạy theo quy hoạch. Trong khi đó, lộ trình thực hiện quy hoạch rất lâu. Vì vậy, các nhà đầu tư phải rất cẩn thận khi quyết định đầu tư vào nhà đất.

Để hạn chế việc chuyển đổi tràn lan đất kẹt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang xây dựng quy chế, nếu muốn chuyển đổi đất kẹt thì người sử dụng phải nộp thêm tiền theo giá đất giao dịch thực tế tại khu vực đó.

Việc tính giá chuyển đổi đất kẹt theo giá thực tế dù không dễ thực hiện nhưng chắc chắn cũng sẽ làm cho việc chuyển đổi đất kẹt không còn dễ dàng như trước và ngay cả với những người mua được đất kẹt đủ điều kiện chuyển đổi cũng không dễ thu được lợi nhuận cao như trước.

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn Kết