Top

Đấu giá quyền sử dụng đất: “Trầm lắng” theo bất động sản

Cập nhật 26/05/2014 08:35

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 34 dự án đã xong hạ tầng kỹ thuật; đồng thời đôn đốc 8 quận, huyện, thị xã chưa lập kế hoạch phải khẩn trương hoàn thiện phương án đấu giá đất kể cả thửa nhỏ lẻ, xen kẹt và phương án giao đất dịch vụ.

Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu

Tại cuộc giao ban đấu giá quyền sử dụng và giao đất dịch vụ giữa UBND thành phố với các địa phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết, tỷ lệ đấu giá quyền sử dụng đất và số tiền thu về ngân sách từ đầu năm đạt thấp so với kế hoạch, do ảnh hưởng của thị trường bất động sản trầm lắng. Nhiều dự án đã tổ chức đấu giá nhưng không đủ số lượng người tham gia theo quy định, thậm chí không có người tham gia, sau khi điều chỉnh giá sàn bằng với mức giá quy định tại bảng giá của thành phố để tổ chức đấu giá lại lần 2 cũng không đủ số lượng người tham gia. Về chủ quan, nhiều dự án đấu giá quyền sử dụng do thành phố quản lý gặp khó khăn trong bố trí nguồn vốn thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến dở dang, kéo dài không hoàn thành được để đưa vào đấu giá; trong khi dự án do quận, huyện quản lý, mặc dù có đủ quỹ đất sạch, đủ điều kiện thực hiện nhưng địa phương lại thiếu chủ động triển khai. Đặc biệt, nợ đọng, nợ quá hạn tiền đấu giá quyền sử dụng đất năm 2013 còn khá lớn, số nợ phải thu hơn 1.072 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn hơn 113 tỷ đồng.

Một buổi đấu giá quyền sử dụng đất tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Năng Lực

Tương tự, việc giao đất dịch vụ cũng chưa đạt yêu cầu. Theo thống kê, tổng diện tích đất nông nghiệp thu hồi đủ điều kiện giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố là 7.741ha, trong đó tổng nhu cầu đất dịch vụ phải giao hơn 854ha, với hơn 77.500 hộ. Tuy nhiên, tổng diện tích đất dịch vụ đã có quyết định thu hồi là 511ha; đang giải phóng mặt bằng 31ha, đã xây dựng hạ tầng 303ha. Quý I-2014, các địa phương đã giao 78ha, đáp ứng 21% số hộ có nhu cầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng có địa phương làm rất tốt việc giao đất dịch vụ nhưng có địa phương chưa giao được cho hộ nào là do nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ rất lớn, vượt khả năng cân đối của địa phương. Cùng với đó, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đang được nghiên cứu, điều chỉnh nên một số khu đất dịch vụ đã có mặt bằng, thậm chí có cả hạ tầng phải dừng lại chờ quy hoạch phê duyệt xong mới bàn giao. "Ngoài ra, nổi cộm là việc một số địa phương tự chứng thực chuyển nhượng đất dịch vụ của các hộ, gây ra rất nhiều khó khăn khi thực hiện" - ông Mười nói.

Theo văn bản của UBND thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất dịch vụ. Trên cơ sở kế hoạch đến hết năm, lãnh đạo các đơn vị phải đề xuất giải pháp thực hiện cụ thể; tổ chức giao ban định kỳ hằng tháng, báo cáo kết quả cho thành phố và đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng giao Sở Tài chính chủ trì, đôn đốc, có giải pháp thu hồi các khoản nợ đọng, nợ quá hạn của các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền sử dụng đất năm 2013. Đối với địa phương để nợ đọng kéo dài, tạm dừng giao dự án đấu giá quyền sử dụng đất và không tổ chức thêm các phiên đấu giá.

Đất đấu giá phải bảo đảm đô thị hiện đại

Để gỡ khó và đẩy nhanh đấu giá đất, giao đất dịch vụ, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cho biết, đơn vị này đang xem xét sửa đổi một số quy định như số người tối thiểu tham gia tại mỗi phiên đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá… cho phù hợp thực tế thị trường hiện nay. Cùng với đó, Sở kiến nghị thành phố xác định các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt là khu đất có diện tích đấu giá và hạ tầng bên trong dưới 5.000m2 (không kể đường, đất dự kiến mở đường); ủy quyền cho địa phương phê duyệt giá sàn để đấu giá những thửa nhỏ lẻ này. Trường hợp đất đấu giá 2 lần không thành, có thể cho phép giao đất theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, giá thu tiền sử dụng là giá khởi điểm do Sở Tài chính xác định.

Với những đề xuất cụ thể này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh đã đồng ý về chủ trương ủy quyền, phân cấp cho UBND các quận, huyện căn cứ quy hoạch chung, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đất đấu giá quyền sử dụng và giao đất dịch vụ. Trường hợp khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt đã có hạ tầng cho phép tổ chức đấu giá. Riêng đề xuất ủy quyền cho địa phương phê duyệt giá sàn, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho rằng, không phù hợp với quy định của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng quy định. Các địa phương cân đối quỹ đất, có thể điều chuyển giữa các mục đích tái định cư, đấu giá, giao đất dịch vụ nhưng ưu tiên cho giao đất dịch vụ trước, báo cáo thành phố chấp thuận. Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất đấu giá phải đáp ứng mục tiêu phát triển đô thị, do đó hạ tầng kỹ thuật phải hoàn thiện, diện tích đất phải phù hợp không ảnh hưởng cảnh quan đô thị mới tổ chức đấu giá.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới