Hiện nay thị trường mua bán đất nghĩa trang tại TP.HCM và các tỉnh lân cận diễn ra khá sôi động. Tình trạng đầu cơ, kinh doanh, xí phần để sang tay kiếm lời khiến cho giá huyệt mộ tăng cao.
Đất nghĩa trang đang đắt hơn cả đất xây nhà.
|
Theo cục Thống kê TP.HCM, dự kiến đến năm 2020 dân số thành phố là 10 triệu người. Trong đó, mỗi năm sẽ có khoảng 40.000 người chết. Hiện nay có khoảng 80% số người chết có nguyện vọng nằm lại thành phố, còn lại được đưa về quê. Nếu tính bình quân một ngôi mộ là 15m2, thì mỗi năm thành phố cần khoảng 48ha đất dùng để làm nghĩa trang. Và như vậy, đến năm 2020, nhu cầu cho quỹ đất nghĩa trang của thành phố là khoảng 480ha.
Đắt hơn đất cho người sống
Tuy nhiên, nguồn cung về
đất nghĩa trang rất hạn chế. Lý do: nghĩa trang Bình Hưng Hoà lớn nhất thành phố đã đóng cửa, nghĩa trang Đa Phước gần như không còn chỗ trống. Trong khi đó, chủ trương của thành phố là không cho người dân chôn cất người thân trên đất thổ cư hay đất ruộng mà phải tập trung vào những nơi được quy hoạch làm nghĩa trang.
Để giải quyết nhu cầu này, người dân đang đổ về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... tìm đất xây mộ. Ông Thắng, chủ một trại hòm kiêm dịch vụ mai táng tại phường Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân) nói: “Do đất cho người chết ở thành phố gần như không còn, lại đắt nên tôi thường tư vấn cho người dân về các tỉnh mua với giá mềm hơn”.
Ông Nguyễn Văn Linh, phó giám đốc chi nhánh công ty Chánh Phú Hoà tại TP.HCM -chủ đầu tư nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng, Bình Dương với diện tích khoảng 190ha, tổng vốn đầu tư gần 300 tỉ đồng - cho biết đất ở nghĩa trang Vĩnh Hằng có nhiều mức cho khách hàng lựa chọn. Chẳng hạn, khu I dành cho người có thu nhập thấp với giá từ 15 - 20 triệu đồng/mộ diện tích 5,3m2. Khu B dành cho người có thu nhập cao giá hơn 188 triệu đồng/mộ diện tích 12,6m2. Một trong những khu vực “sang” nhất là khu vườn tâm linh (khu K), giá lên đến 350 triệu đồng/lô diện tích 81m2.
Như vậy, nếu tính ra giá đất ở đây lên đến hơn 4 triệu đồng, thậm chí ở những vị trí đẹp như mặt tiền đại lộ Vĩnh Hằng, giá có thể lên đến gần 20 triệu đồng/m2. Trong khi đó, theo nhận xét của nhiều người, hiện giá đất cho người dân sinh sống ở khu đô thị Mỹ Phước 3, 4 (Bình Dương) cũng chỉ khoảng 1 - 1,5 triệu đồng/m2.
Chủ đầu tư dự án này cho rằng, sở dĩ giá đất ở đây khá cao do được thiết kế “như mô hình của Singapore, Malaysia và Đài Loan”. Cụ thể: 40% diện tích đất dành để xây dựng cơ sở hạ tầng và trồng cây xanh. Mặc dù giá đất khá đắt nhưng sau hai năm hoạt động, đến nay đã có khoảng 500 ngôi mộ có người an táng, 2.000 mộ khác cũng đã được giới đầu tư mua để kinh doanh và người dân mua sẵn để dành.
Tại nghĩa trang Gò Đen (Long An), những vị trí mặt tiền thuận tiện cho việc thăm viếng giá đến 25 triệu đồng/mộ. Đặc biệt có những phần mộ cao cấp có giá cao ngất: 550 triệu đồng/mộ.
“Lướt sóng” thị trường nghĩa trang
Dịch vụ ăn theo nghĩa trang
Bên cạnh nguồn thu từ việc bán phần mộ, doanh thu từ các dịch vụ khác tại nghĩa trang cũng không nhỏ. Ví dụ như tại nghĩa trang Vĩnh Hằng, ngoài tiền mua đất, để xây được mộ, người mua còn phải bỏ ra khoảng 45,6 triệu đồng. Dịch vụ lưu giữ tro cốt lên đến 12 triệu đồng/suất vĩnh viễn và hàng loạt dịch vụ khác. |
Nghị định 35 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2008 đã công nhận việc xây dựng và khai thác nghĩa trang là một ngành kinh doanh. Theo đó, các cá nhân và doanh nghiệp sẽ nhận được những ưu đãi đặc biệt khi đầu tư loại hình này như: được Nhà nước cấp đất xây dựng nghĩa trang lâu dài và không thu tiền sử dụng đất, hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng tuỳ theo quy mô, hình thức đầu tư… Đây là một trong những nguyên nhân khiến phân khúc thị trường này sôi động.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính là do khi thị trường bất động sản nguội lạnh kéo dài, không ít cò đất cũng như các đại gia về địa ốc đã chuyển sang “lướt sóng” ở thị trường này. Trong đó có doanh nghiệp mua hàng trăm huyệt mộ để chờ lên giá, rồi sang tay kiếm lời. Trên các trang mạng, việc rao bán đất cho người chết cũng rầm rộ không kém đất cho người còn sống. Chỉ cần gõ “mua bán đất nghĩa trang”, là lập tức hàng ngàn lời rao bán huyệt mộ hiện ra.
Còn theo anh Khánh, một người có thâm niên trong ngành kinh doanh đất nghĩa trang, sở dĩ giá đất nghĩa trang đắt do không có quy định nào hạn chế số huyệt mộ được mua, được phép sang nhượng quyền sử dụng… Như tại nghĩa trang Vĩnh Hằng, dù đất còn nhiều nhưng theo ông Nguyễn Văn Linh: “Vẫn có hiện tượng giới đầu cơ mua gom huyệt mộ để kiếm lời. Ngoài ra, giới cò đất cũng đổ về đây kiếm ăn”. Được biết để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất nghĩa trang, UBND thành phố Hà Nội đã cấm việc mua bán, chuyển nhượng đất trong nghĩa trang trên địa bàn dưới mọi hình thức.
Đại diện DonaCoop, một công ty đang xây dựng nghĩa trang hoa viên tại Đồng Nai cho biết vào đầu năm 2010 đã làm một chương trình giới thiệu dự án này tại TP.HCM cho nhà đầu tư. “Nhu cầu về một nơi an táng cho người đã khuất ở Việt Nam là rất lớn, trong khi hầu hết các nghĩa trang hiện nay đều đã xuống cấp, quỹ đất thì ngày càng ít đi. Điều này khiến lĩnh vực đầu tư này được dự báo là ngày càng khấm khá trong thời gian tới ”, vị này nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: