Top

Đất vàng ven biển Đà Nẵng đang thuộc về ai?

Cập nhật 10/08/2018 14:06

Trong các dự án 'giữ chỗ' đất vàng ven biển Đà Nẵng, có 2 dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ 'nhôm').

Dự án DAP (Q.Ngũ Hành Sơn) đến nay vẫn 'đắp chiếu' (ảnh lớn, ảnh 2); Dự án ven biển của Vũ 'nhôm' (Công ty I.V.C) (ảnh 1); Dự án KDL Hòn Ngọc Á Châu chậm đưa đất vào sử dụng nhiều năm qua (ảnh 3)
ẢNH: HOÀNG SƠN

Hàng loạt dự án ven biển Đà Nẵng chậm triển khai khiến các khu đất vàng trở nên nham nhở, chính quyền không dễ thu hồi mà người dân cũng chẳng được hưởng lợi từ không gian công cộng. Vậy ai đang “sở hữu” các khu đất bạc tỉ này?

Dự án ven biển của Vũ “nhôm” (Công ty I.V.C)
ẢNH: HOÀNG SƠN

Những dự án... để đó

Rà soát 37 dự án ven biển trên tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa (thuộc Q.Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn), Ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng cho biết có đến 18 dự án “rùa”. Trong đó, 5 dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ, gồm: dự án Công viên Cá Voi, khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire, khu biệt thự và khách sạn biển Đông Phương, khu du lịch Sao Việt Non Nước, quần thể du lịch Eden.

Trong số 13 dự án còn lại, hoặc khu đất vẫn bỏ hoang hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Có thể kể ra như: dự án khu du lịch (KDL) Hà Nội Non nước, KDL Hoàng Anh Gia Lai, KDL nghỉ dưỡng và biệt thự cao cấp ven biển, dự án Hòn Ngọc Á Châu Resort, khu nhà nghỉ Công an TP.Đà Nẵng, KDL sinh thái ven biển (Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đệ Nhất), khu nhà nghỉ - biệt thự cao cấp (Công ty TNHH biệt thự và khách sạn Nam Phát), khu nghỉ dưỡng ven biển (Công ty TNHH The Nam Khang), KDL ven biển (Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79), KDL ven biển (Công ty I.V.C)... Đáng chú ý, khu đất vàng 38 ha quy hoạch cho khu nghỉ dưỡng biệt thự cao cấp ven biển của Công ty TNHH khách sạn và biệt thự Nam Phát (Q.Ngũ Hành Sơn) sau 10 năm với 2 lần chuyển nhượng vẫn án binh bất động!

Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP, cho biết qua nghiên cứu hồ sơ do các cơ quan chức năng cung cấp, hầu hết dự án này đều được triển khai kêu gọi đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2002 - 2015. Việc hình thành các dự án với mật độ khá dày không chỉ phá vỡ cân bằng sinh thái, mà do thiếu không gian mở ra hướng biển nên một số khu vực đã hạn chế sự nối kết liên thông giữa các không gian cảnh quan. Lối xuống biển, bãi tắm công cộng và rừng dương tự nhiên trước đây bị xóa bỏ... Việc lập, thẩm tra dự án đầu tư, giao đất và cho thuê đất ở một số dự án chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

“Đây là bất cập lớn nhất và để lại nhiều hệ lụy lâu dài trong công tác quản lý đất đai, quyết định đầu tư các dự án của TP, gây bức xúc dư luận. Qua giám sát hồ sơ 37 dự án ven biển, không ít dự án vi phạm luật Đất đai, pháp luật về đầu tư và xây dựng”, ông Hùng nhận định.

Rắc rối chuyện thu hồi

Theo tài liệu PV Thanh Niên có được, trong các dự án “giữ chỗ” đất vàng có 2 dự án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), gồm KDL ven biển của Công ty TNHH I.V.C và KDL ven biển của Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79. Riêng dự án KDL ven biển đường Trường Sa của Công ty I.V.C được ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng) ký quyết định quy hoạch với diện tích 37.700 m2 vào năm 2007. Mặc dù vậy, khoảng 10 năm qua, dự án chiếm mặt tiền biển gần KDL tâm linh Ngũ Hành Sơn này vẫn “đắp chiếu”. Đây chính là dự án “ma” mà Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa hé lộ hồi tháng 5 vừa qua.

Câu chuyện pháp lý trong thu hồi các dự án đã được chính quyền TP.Đà Nẵng đặt ra, nhưng ngày càng vướng. Thường trực HĐND TP đã thống nhất tạm thời chưa đưa 2 dự án đất vàng ven biển của Vũ “nhôm” cũng như 6 dự án khác (trong danh sách 8 dự án) vào danh sách dự kiến thu hồi. Theo Sở TN-MT, TP.Đà Nẵng đang cân đối vốn, xem xét đảm bảo các yếu tố pháp lý liên quan trước khi trình ra HĐND TP trong thời gian tới. Phó giám đốc Sở TN-MT, ông Nguyễn Quang Vinh, lý giải 2 dự án ven biển của Vũ “nhôm” đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch. Mà theo quy định, danh mục thu hồi đất được thông qua trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh, hoặc quy hoạch được phê duyệt.

Trả lời PV Thanh Niên, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết TP sẽ bàn bạc, thương lượng với các nhà đầu tư để thu hồi các dự án. Trình tự thủ tục thu hồi phải thực hiện đúng chủ trương quy hoạch một số khu vực không gian đô thị và đúng pháp luật. “Ví dụ khi thu hồi thì phải có quy hoạch, phải được các ngành các cấp, cơ quan thẩm quyền thông qua. Tất nhiên không thể điều chỉnh các dự án để giao cho nhà đầu tư khác mà phải phục vụ xây dựng các công trình phúc lợi”, ông Thơ nói và cho biết, giải pháp là thương lượng để đổi đất, bồi thường bằng tiền. Trước việc một số chủ đầu tư phản ứng cho rằng TP thu hồi không đúng cơ sở pháp lý, ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng có thể họ không muốn bàn giao đất, nhưng TP thì phải làm đúng quy trình và... thỏa mãn những quyền lợi của doanh nghiệp. “TP không “lấy không” và cũng không “áp đặt” gì. Nhưng nếu vì mục đích công cộng, an ninh quốc phòng thì người dân, doanh nghiệp cũng phải ủng hộ”, ông Thơ nói thêm.

Loay hoay “đòi” lại lối xuống biển

Sau thời gian dài buông lỏng quản lý đất vàng ven biển, hậu quả nhãn tiền tại TP.Đà Nẵng là địa phương đang phải bổ sung quy hoạch, thu hồi hoặc thương lượng để trả lại các lối xuống biển, các bãi biển dành cho công cộng.

Ngày 9.8, UBND TP.Đà Nẵng cho biết vừa yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương lập, trình thẩm định để lựa chọn nhà thầu triển khai thi công công trình lối xuống biển khu vực giữa dự án khách sạn Furama và quần thể đô thị du lịch Ariyana trong tháng 10.2018. Trong tháng 11.2018, các lối xuống biển phía nam dự án KDL và giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt, phía bắc thuộc dự án KDL biển The Song Đà Nẵng, phía nam dự án Future Property Invest cũng phải thi công. TP.Đà Nẵng đặt mục tiêu mở lối xuống biển Hồ Xuân Hương nối dài và lối xuống biển kết hợp bãi tắm công cộng khu vực giữa Furama và dự án Ariyana.

“Đất vàng” ven sông cũng bị xẻ thịt

Từng được kỳ vọng là 1 trong 21 điểm nhấn kiến trúc của TP.Đà Nẵng khi được phê duyệt năm 2013, tổ hợp Khu dân cư, thương mại - dịch vụ đường 2.9 (Q.Hải Châu) rộng 8,2 ha được chia thành 3 khu với 3 tòa tháp cao trên 33 tầng. Chủ đầu tư Hoàng Anh Gia Lai hứa hẹn đầu tư 150 triệu USD nhưng đến nay vẫn chỉ là những bãi cỏ hoang bên sông Hàn. Đây là lý do chính quyền TP.Đà Nẵng vừa tuýt còi, buộc ngừng giao dịch chuyển nhượng, cấp phép xây dựng.

Trước đó, năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai chuyển nhượng dự án này cho Quốc Cường Gia Lai với giá 419 tỉ đồng. Khu đất vàng này lập tức bị xẻ thịt, chia lô bán nền với giá từ 70 - 100 triệu đồng/m2 (thời điểm 2016). Sau khi bán hết, Quốc Cường Gia Lai đến nay vẫn chưa... thi công xong hệ thống điện.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên